Home TRANG CHỦ Thứ 5, ngày 26/12/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 5 7 3 5 0 2
Số người đang truy cập
2 6 0
 Chuyên đề Vi khuẩn & Vi rút
Chẩn đoán phân biệt và xử trí bệnh u mềm lây với các bệnh nhiễm trùng ở da niêm

U mềm lây có tên khoa học chuyên ngành là Molluscum contagiosum (MC) là một bệnh nhiễm trùng do virus trên da hoặc đôi khi nhiễm trùng và ảnh hưởng đến vùng niêm mạc, đôi lúc gọi là mụn cóc nước (water warts).

Giới thiệu

Bệnh gây ra do một loại virus DNA poxvirus có tên là molluscum contagiosum virus (MCV). MCV chỉ gây nhiễm trên người. Có 4 types MCV là MCV-1, MCV-2, MCV-3 và MCV-4. Trong đó, MCV-1 lá lưu hành nhiều nhất và MCV-2 hay gặp trên người lớn.

Virus gây u mềm lan rộng từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da đang bị nhiễm với nhau. Virus cũng có thể lan rộng qua con đường bề mặt có virus đang ở trên đó như khắn tắm, đồ chơi, dụng cụ thể thao, quần áo,…Đôi lúc virus có thể lan rộng sang các cơ quan khác của cơ thể thông qua tiếp xúc hoặc vết trầy xướt hay tiếp xúc tình dục.

Bệnh lý này có tỷ lệ nhiễm cao trên các trẻ em, các người lớn có hoạt động tình dục nhiều và đối tượng suy giảm miễn dịch. Nhiễm trùng theo ghi nhận của y văn hay gặp ở nhóm tuổi 1-10. MC có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng nào trên da nhưng nhiều nhất là vùng thân mình, cánh tay, háng, chân. Có bằng chứng nhiễm trùng virus gây u mềm lây trên toàn cầu gia tăng lên từ năm 1966, nhưng nhiễm trùng này không được giám sát thường quy vì chúng không nghiêm trọng và biến mất mà không cần điều trị sau nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không cần can thiệp điều trị. MC có thể tồn tại đến 4 năm nếu không điều trị.

U mềm lây (Molluscum contagiosum) là một bệnh viêm da do virut (thường là virus Pox) mà biểu hiện bằng các thương tổn da đứng riêng rẽ, rời rạc và lõm ở trung tâm. Bệnh lây lan rộng do tự lây nhiễm bởi các vết cào xước hoặc sờ mó vào thương tổn. U mềm lây thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh cũng hay gặp ở người lớn có hoạt động tình dục và bệnh nhân nhiễm HIV. Thời gian ủ bệnh khác nhau trong khoảng từ 4 đến 8 tuần.

 

Ở một số bệnh nhân có miễn dịch tốt sau vài tháng bệnh tự khỏi. U mềm lây thường gặp ở trẻ nhỏ, song bệnh cũng gặp ở người lớn có hoạt động tình dục và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Một vấn đề cần lưu ý là u mềm lây sinh dục ở trẻ em có thể do lạm dụng tình dục.

Trên toàn cầu, có khoảng 122 triệu người bị ảnh hưởng bởi u mềm lây theo thống kê năm 2010 (1,8% dân số thế giới).

Nguyên nhân và triệu chứng lâm sàng

U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng da gặp cả ở trẻ em và người lớn (nhưng hay gặp ở trẻ em nhiều hơn). Phương thức lây truyền  là tiếp xúc trực tiếp qua da và dụng cụ, tay bị tổn thương khi phẫu thuật, trẻ em tắm cùng bể tắm, dùng khăn chung, dụng cụ thể dục và ngồi cùng ghế. Bệnh cũng có thể do tự nhiễm.

  

Bệnh u mềm lây có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất ở hai lứa tuổi:

+ Trẻ nhỏ lây truyền trực tiếp qua da;

+ Thanh thiếu niên (15-29 tuổi) lây truyền qua đường tình dục.

Về lâm sàng, khởi đầu thương tổn là sẩn tròn gồ cao trên da, chắc, bề mặt nhẵn, trung tâm sẩn lõm. Các sẩn thường tập trung thành nhóm, kích cỡ mỗi sẩn thường từ 2 đến 6 mm đường kính;

-Vị trí phân bố thương tổn ở trẻ em là ở mặt, tay, chân và thân mình. Niêm mạc không có thương tổn. Phân bố thương tổn ở người lớn thường liên quan đến vùng sinh dục và vùng mu sinh dục. Đôi khi thương tổn có đỏ và bong vẩy xung quanh do quá trình cào , gãi hoặc do phản ứng tăng nhạy cảm của sẩn;

-Thương tổn không có ở bàn tay và bàn chân. Vị trí thường thấy  ở da nhưng vài trường hợp được thông báo ở mí mắt và kết mạc;

-Tính chất thương tổn: nếu tổn thương nguyên phát ở da, sẩn cứng lõm giữa có màu đỏ hồng, trắng, đục hoặc màu vàng, đường kính từ 2-6mm, có thể xuất hiện khu trú hoặc lan rộng trên da và bề mặt niêm mạc;

-Số lượng tổn thương thay đổi từ 1-20 cho tới hàng trăm. Một số thương tổn được liên kết với nhau thành một mảng;

-Đa số thương tổn tự khỏi nhưng một số có thể tồn tại nhiều năm. Phân bố tổn thương da ở trẻ chủ yếu ở thân và chân, ở người lớn thường gặp ở vùng bụng dưới, phía trong đùi, xương mu, sinh dục. Có thể thấy ở miệng, lưỡi.

   

Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt

-Chẩn đoán chủ yếu dựa vào thương tổn cơ bản lâm sàng trên da. Thầy thuốc dùng kính lúp soi, có thể nhìn thấy sẩn lõm ở trung tâm. Nếu cần thiết, chẩn đoán xác định bằng nạo thương tổn với 1 curret và kiểm tra tiêu bản sau khi thêm kali hydroxyte và hơ nóng nhẹ. Nhuộm bằng xanh toludine sẽ bộc lộ thể vùi của virus.

-Về thực hành lâm sàng, thường đặt ra vấn đề phân biệt chẩn đoán với:

+Sẩn xơ ở mặt, mụn nhọt giai đoạn sớm, u tuyến mồ hôi ở âm hộ, sùi mào gà, đặc biệt khi không có nốt điển hình;

+Hạt cơm phẳng: hình ảnh lâm sàng là các sẩn bằng phẳng không có lõm ở trung tâm, bề mặt không đều, không có hình vòm, bàn tay và chân có thể có thương tổn;

+Herpes simplex: các thương tổn nhanh chóng lõm giữa;

+Thủy đậu: xuất hiện bọng nước và mụn nước;

+Viêm nang lông: sẩn không có lõm ở trung tâm, sẩn hoặc mụn mủ khu trú ở chân tóc;

+Ung thư biểu mô đáy: gồm nhiều thể lâm sàng;

 

Nấm sâu Cryptococcus spp trên da ở bệnh nhân HIV/AIDS hay suy giảm miễn dịch khác à Cần xét nghiệm có tế bào nấm men ở thương tổn da..hoặc chỉ định làm giải phẫu bệnh khi còn nghi ngờ chẩn đoán hoặc là thương tổn lan rộng, không rõ ràng.

Điều trị thế nào?

U mềm lây là bệnh tự khỏi sau vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, để ngăn ngừa sự tự nhiễm và lây lan do tiếp xúc gần, cần điều trị tích cực khi vừa mắc bệnh. Mục đích chung của nhiều phương pháp điều trị khác nhau là phá hủy tổn thương.

Các thuốc dùng chủ yếu là các thuốc gây bào mòn. Việc dùng các thuốc gây bào mòn có thể gây phù nề, mềm lớp sừng của thượng bì, sau đó là bong vảy.

Một số phương pháp được áp dụng để xử trí các ca u mềm lây:

-Điều trị áp lạnh với nitơ;

-Nạo bằng curret các u mềm lây, trước khi nạo phải bôi kem EMLA 2,5% để làm tê thương tổn. Khi nạo curret phải tránh không để tạo sẹo tại các vùng thẩm mỹ;

-Sử dụng Cantharidin 0,7% bôi lên các thương tổn đơn độc, tránh không bôi lên mặt;

-Liệu pháp dùng nitơ lạnh kết hợp với nạo bằng curret có hiệu quả trên những bệnh nhân mà không thể sử dụng được các liệu pháp điều trị khác;

-Liệu pháp khác là dùng kem Imiquimod, gel hoặc kem Tretinoin 0,025% hoặc 0,01% bôi vào buổi tối hàng ngày. Đôi khi có thể điều trị bằng laser;

-Axit trichloroacetic lột thương tổn 2 tuần làm 1 lần và làm vài tuần, hiệu quả trên những bệnh nhân thương tổn lan rộng và có sức đề kháng;

 

Hầu hết bệnh nhân đều đáp ứng tốt với các liệu pháp ở trên đã đề cập. Một số ca có thể tự biến mất không cần điều trị sau 6 - 9 tháng gặp ở người có sức đề kháng tốt.

Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với u mềm lây ở nam giới được điều trị bằng kem Imiquimod 1% và giả dược, kết quả cho thấy với Imiquimod tỷ lệ bệnh nhân khỏi là 82% so với tỷ lệ khỏi của giả dược chỉ 16%. Một thử nghiệm lâm sàng tiến cứu với dùng laser màu xung tái tạo collagen bước sóng 585nm cho kết quả khỏi 96,3% thương tổn sau lần điều trị đầu tiên và tiếp tục khỏi 3,7% sau lần điều trị thứ 2 ( sau 2 tuần ).

 

Một số thuốc được sử dụng điều trị bệnh u mềm lây:

Cantharidin:

Hóa chất Astringent được dùng trên bề mặt của u mềm lây để phá hủy lớp thương tổn tăng sinh kế tiếp liên tục của da, gồm có potassium hydrochloride và cantharidin.Thuốc có tác dụng làm bong vảy nhưng không ảnh hưởng đến lớp đáy và tác dụng tối thiểu ở lớp sừng, không để lại sẹo. Người lớn và trẻ em: bôi 1 lần duy nhất và có thể lặp lại 1 hoặc 2 lần mỗi 3 - 4 tuần. Không dùng cho bệnh nhân tăng nhạy cảm, đái tháo đường, suy giảm tuần hoàn ngoại vi. Không sử dụng trong mắt, niêm mạc, xung quanh hậu môn, vùng kẽ. Không sử dụng trên những tổn thương cùng với thuốc khác hoặc nếu xung quanh mô bị phù nề hoặc bị kích thích. Thận trọng có thể bỏng rộp mạnh.

Trichoroacetic acid:

Tác dụng của trichoroacetic acid là bào mòn da và mô khác. Mặc dù bào mòn ít gây kích ứng và độc toàn thân hơn những thuốc cùng nhóm nhưng sự đáp ứng thường không hoàn toàn và dễ tái phát. Đối với người lớn, bôi lên trên tổn thương, tránh vùng da không tổn thương, có thể sử dụng vùng hậu môn và lặp lại 1 - 2 tuần. Tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh  nhân có những tổn thương ác tính và tiền ác tính.

Đối với phụ nữ mang thai và trẻ em chỉ sử dụng bôi ngoài và chỉ sử dụng giới hạn khu vực điều trị.

Bạc nitrate:

Thuốc có tác dụng làm đông protein tế bào và xóa bỏ mô hạt. Khi dùng, nên bôi vùng bị ảnh hưởng hoặc tại thương tổn. Tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân tăng nhạy cảm, vùng da bị hở, phụ nữ có thai.

Tretinoin:

Thuốc có tác dụng ức chế hình thành còi mụn nhỏ và loại bỏ ra khỏi tổn thương. Các tế bào sừng của nang lông tuyến bã ít dính kết và dễ dàng di chuyển. Khi dùng, bắt đầu bôi với lượng thuốc thấp và tăng dần đến mức có thể chịu được. Bôi hàng giờ hoặc 3 lần trong ngày. Chống  chỉ định: trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai. Không kết hợp với bôi tại chỗ benzoyl peroxide, salicylic acid và resorcinol. Tránh bôi tại chỗ với sulfar, resorcinol và chất ly giải chất sừng khác, tránh tiếp xúc với chất ăn mòn, chanh, gia vị. Không bôi trong niêm mạc, miệng và góc mũi.

Imiquimod:

Gây tiết ra cytokine gồm interferon, TNF và interleukines, tăng hoạt động tế bào T, do đó điều chỉnh đáp ứng miễn dịch tế bào, làm tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Chỉ sử dụng kem 5%. Tuyệt đối không dùng cho bệnh nhân tăng nhạy cảm, phụ nữ có thai. Thuốc có thể gây viêm da tại chỗ, tránh ánh sáng tự nhiên và nhân tạo, chú ý khi sử dụng vùng sinh dục.

 

Phẩu thuật

Điều trị phẩu thuật gồm có phẩu thuật lạnh (cryosurgery), trong đó dùng niơ lỏng để áp lạnh và phá hủy lớp tổn thương, cũng nhưcạo chúng bằng curette. Ứng dụng nitơ lỏng gây bỏng tại vùng điều trị, điều này có thể tồn tại vài phút sau khi điều trị. Sẹo hoặc mất sắc tố là biến chứng của điều trị. Với ni tơ lỏng, một nốt phỏng có thể hình thành tại vị trí điều trị, nhưng nó sẽ quá đi sau 2-4 tuần. Mặc dù việc sủ dụng của nó bị cấm bởi FDA tại Mỹ. song dạng không pha loãng thoa ngoài nốt bằng cantharidin có thể cho hiệu quả. Phẩu thuật lạnh và nạo bằng curette không phải quy trình không đau. Chúng cũng có thể để lại sẹo và vết trắng vĩnh viễn.

Laser

Liệu pháp laser có thể sử dụng đối với một số ca mà nó tồn tại khong giải quyết bằng các biện pháp khác được.

Tiên lượng

Hầu hết các ca u mềm lây sẽ được giải quyết một cách tự nhiên trong vòng 2 năm (thường trong vòng 9 tháng). Vì sự tiến triển lâu dài trên da như vậy, nên có khả năng lây sang người khác là rất lớn và sự nhiễm trùng khó có thể chấm dứt.

Không như loại virus Herpes, virus này có thể tồn tại dạng bất hoạt động trong cơ thể từ vài tháng đến vài năm trước khi chúng biến mất. U mềm lây không còn trong cơ thể khi sự phát triển trên da và sự biến mất do tự thân chúng. Song, chúng ta không có miễn dịch suốt đời với loại virus này và điều này có thể nhiễm lại nếu phơi nhiễm lại với tác nhân hay người nhiễm khác.

Một lợi điểm của điều trị là ngăn chặn lây lan và giải quyết thương tổn, tránh các thương tổn thẩm mỹ. Điều này hạn chế kích thước của sẹo "pox". Nếu không điều trị, u mềm sẽ phát triển và có thể đạt đến kích cỡ lớn hơn như một hạt đầu hay viên vi. Sự giải quyết một cách tự phát các tổn thương lớn có thể đạt, nhưng để lại hố sẹ lớn hơn. Hiện nay có nhiều biện pháp điều trị lựa chọn, nên tiên lượng để lại sẹo tối thiểu nếu điều trị kịp thời với các tổn thương nhỏ ngay từ đầu.

Phòng bệnh

-Bệnh nhân nên tránh cào gãi ngăn ngừa viêm nhiễm;

-Tránh dùng chung dụng cụ như  dao cạo, bồn tắm, khăn tắm;

-Bệnh lây lan bởi tiếp xúc trực tiếp nên bệnh nhân tránh tiếp xúc da - da với người khác để ngăn ngừa lây lan;

-Tránh quan hệ tình dục với người đang bị u mềm lây.

Tài liệu tham khảo

1.Hoa Tấn Dũng (2014). Trị dứt điểm u mềm lây cách gì? Báo Sức khỏe và đời sống

2.Lê Anh Thư (2014). U mềm lây – Viện Da liễu quốc gia.

3.Hanson D, Diven DG (2003). "Molluscum contagiosum". Dermatol. o­nline J. 9 (2): 2.

4."Frequently Asked Questions: For Everyone. CDC Molluscum Contagiosum". United States Centers for Disease Control and Prevention.

5.Likness, LP (2011). "Common dermatologic infections in athletes and return-to-play guidelines.". The Journal of the American Osteopathic Association 111 (6): 373–379.

6."Pamphlets: Molluscum Contagiosum". American Academy of Dermatology. 2006. Retrieved 2008-11-30.

7.Weller R, O'Callaghan CJ, MacSween RM, White MI (1999). "Scarring in molluscum contagiosum: comparison of physical expression and phenol ablation". BMJ 319 (7224): 1540.

8.Tyring SK (2003). "Molluscum contagiosum: the importance of early diagnosis and treatment". Am. J. Obstet. Gynecol. 189 (3 Suppl): S12–6.

9.Van der Wouden JC, Menke J, Gajadin S, et al. (2006). "Interventions for cutaneous molluscum contagiosum". In Van Der Wouden, Johannes C. Cochrane Database Syst Rev (2): CD004767.

10.Markum E, Baillie J (2012). "Combination of essential oil of Melaleuca alternifolia and iodine in the treatment of molluscum contagiosum in children". J Drugs Dermatol.v 11 (3): 349–54.

11.Schmitt, Jochen; Diepgen, Thomas L. (2008). "Molluscum contagiosum" In Berthold Rzany; Williams, Hywel; Bigby, Michael E.; Diepgen, Thomas L.; Herxheimer, Andrew; Luigi Naldi. Evidence-Based Dermatology. Evidence-based Medicine. London: BMJ Books. ISBN 1-4051-4518-8.

12.Hanna D, Hatami A, Powell J, et al. (2006). "A prospective randomized trial comparing the efficacy and adverse effects of four recognized treatments of molluscum contagiosum in children". Pediatric dermatology 23 (6): 574–9.

13.Katz, KA; Swetman, GL (2013). "Imiquimod, molluscum, and the need for a better "best pharmaceuticals for children" act". Pediatrics 132 (1): 1–3.

14.Myhre, PE; Levy, ML; Eichenfield, LF; Kolb, VB; Fielder, SL; Meng, TC (2008). "Pharmacokinetics and safety of imiquimod 5% cream in the treatment of molluscum contagiosum in children". Pediatric dermatology 25 (1): 88–95.

15.Scheinfeld N (2003). "Cimetidine: a review of the recent developments and reports in cutaneous medicine". Dermatol. o­nline J. 9 (2): 4.

16.Langley JM, Soder CM, Schlievert PM, Murray S (2003). "Case report: Molluscum contagiosum. Toxic shock syndrome following cantharidin treatment". Can Fam Physician 49: 887–9.

17.Gold, MH; Moiin, A (2007). "Treatment of verrucae vulgaris and molluscum contagiosum with photodynamic therapy". Dermatologic clinics 25 (1): 75–80.

18.Brown, M; Paulson, C; Henry, SL (Oct 15, 2009). "Treatment for anogenital molluscum contagiosum". American family physician 80 (8): 864.

19.Vos, T (2012). "Years lived with disability (YLDs) for 1160 sequelae of 289 diseases and injuries 1990-2010: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2010". Lancet 380 (9859): 2163–96.

20.Damon IK. Other poxviruses that infect humans: parapoxviruses, molluscum contagiosum, and yatapoxviruses. In: Mandell GL, Bennett JE, Dolin R, eds. Mandell, Douglas, and Bennett’s Principles and Practice of Infectious Diseases. 7th ed. Philadelphia, Pa.: Elsevier Churchill-Livingstone; 2009:chap 134.

21.Mancini AJ, Shani-Adir A. Other viral diseases. In: Bolognia JL, Jorizzo JL, Schaffer JV, eds. Dermatology. 3rd ed. Philadelphia, Pa.: Elsevier Saunders; 2012:chap 81.

 

 

Ngày 23/04/2014
PGS.TS. Triệu Nguyên Trung, TS. Nguyễn Văn Chương
và Ths.Bs. Huỳnh Hồng Quang
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn triển khai Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu với phương châm “Nỗ lực hết mình vì người bệnh”


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích