|
Ảnh minh họa |
Tai biến ở mắt do dùng thuốc chống ký sinh trùng
Trong một số trường hợp người bệnh dùng thuốc chống ký sinh trùng để điều trị bệnh sốt rét, lỵ a míp và tẩy giun; nếu không thận trọng nhất là khi sử dụng thuốc quá liều, kéo dài thời gian có thể gây nên các tai biến ở mắt. Cần quan tâm đến vấn đề này để phòng ngừa. Các nhà khoa học đã xác định một số các loại thuốc chữa bệnh sốt rét như quinine, chloroquine, hydroxychloroquine; điều trị bệnh lỵ a míp như iodoquinol; tẩy giun như piperazine... có thể gây tai biến ở mắt do ảnh hưởng đến thần kinh thị giác, võng mạc. Quinine là thuốc dùng để chữa trị bệnh sốt rét, nếu dùng thời gian dài thuốc sẽ tích lũy gây nên tình trạng nhiễm độc dần dần. Liều lượng được khuyến cáo sử dụng là 30mg/kg cân nặng chia đều 3 lần mỗi ngày, dùng trong 7 ngày. Trong trường hợp dùng thuốc quinine liều cao để phá thai hoặc tự tử sẽ gây nên sự nhiễm độc cấp tính. Liều lượng gây độc trung bình đối với người lớn khi sử dụng đến 4gam quinine, đối với trẻ em thì liều thấp hơn. Các trường hợp nhiễm độc cấp tính, ngoài triệu chứng toàn thân được ghi nhận thì tại mắt có dấu hiệu thị lực giảm sút nặng, có khi mất thị lực; thị trường bị thu hẹp lại đến mất thị trường hoàn toàn. Ở đáy mắt, khi soi thấy mạch máu võng mạc bị co thắt, võng mạc phù nề trở thành đục; đĩa thị giác khởi đầu phù nề, sau đó trở nên bạc màu và teo lại, ở võng mạc xuất hiện sắc tố. Các trường hợp nhiễm độc mạn tính do dùng thuốc quinine dài ngày thì thị lực giảm sút từ từ, thị trường bị thu hẹp; khi soi đáy mắt thấy mạch máu võng mạc co nhỏ, võng mạc xuất hiện sắc tố, hoàng điểm thoái hóa, đĩa thị bạc màu, dẫn đến tình trạng teo thần kinh thị giác. Điện võng mạc bị giảm sút đến mất hoàn toàn. Khi mới bị tai biến, dừng thuốc kịp thời có thể có sự phục hồi nhưng chậm. Khi đã có dấu hiệu đã teo đĩa thị và thoái hóa hoàng điểm thì không có khả năng phục hồi. Chloroquine và hydroxychloroquine là loại thuốc điều trị sốt rét có tác dụng thải chậm. Liều lượng chloroquine được khuyến cáo sử dụng với tổng liều 25mg base/kg cân nặng chia cho 3 ngày điều trị gồm ngày thứ nhất và ngày thứ hai 10mg base/kg cân nặng, ngày thứ ba 5mg base/kg cân nặng. Lưu ý trong mỗi viên thuốc chloroquine phosphate 250mg có chứa 150mg base. Với liều lượng sử dụng 250mg mỗi ngày và dùng kéo dài 2 năm ghi nhận có khoảng 4% trường hợp xuất hiện rối loạn màu sắc; lúc đầu màu đỏ, sau đó biến thành màu vàng; thị trường bị thu hẹp; trên giác mạc xuất hiện các chấm nhỏ. Khi soi đáy mắt, võng mạc sẽ thấy xuất hiện rối loạn sắc tố, nhất là vùng hoàng điểm. Điện võng mạc thấy biên độ sóng a và sóng b lúc đầu giảm sút, sau đó bị tiêu hủy hoàn toàn. Nếu không được xử trí can thiệp kịp thời, giai đoạn sau đó khó phục hồi. | Thuốc chữa sốt rét, lỵ a míp, tẩy giun có thể gây tai biến ở mắt (ảnh minh họa) |
Iodoquinol có tên biệt dược là Yodoxin là thuốc chữa trị bệnh lỵ a míp. Liều lượng được khuyến cáo sử dụng là 650mg, uống 3 lần mỗi ngày, dùng trong 20 ngày. Nếu dùng với liều lượng 1.300mg mỗi ngày và dùng từ 8 tuần trở trên có thể gây nên tai biến viêm thần kinh thị giác, teo thần kinh thị giác, giảm thị lực, thu hẹp thị trường; khi đã đến giai đoạn này thì khó hồi phục. Piperazine là loại thuốc dùng tẩy giun đũa và giun kim. Để tẩy giun đũa, người lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng liều 75mg/kg cân nặng mỗi ngày tính theo gốc piperazine hexahydrate, tối đa 3,5g mỗi ngày, sử dụng trong 2-3 ngày; đối với trẻ em từ 2 đến 12 tuổi dùng 75mg/kg cân nặng mỗi ngày, tối đa 2,5g mỗi ngày, sử dụng trong 2-3 ngày; đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi dùng 50mg/kg cân nặng mỗi ngày, sử dụng trong 2-3 ngày. Để tẩy giun kim, trẻ em và người lớn dùng liều 50ng/kg cân nặng mỗi ngày, sử dụng trong 7 ngày liên tiếp; sau đó từ 2 đến 4 tuần dùng tiếp thêm một đợt nữa. Nếu uống quá liều lượng quy định có thể gây rối loạn thị lực, rối loạn điều tiết, liệt lác mắt. Như vậy một số thuốc chống ký sinh trùng được sử dụng điều trị bệnh sốt rét, lỵ a míp, giun đũa, giun kim đã nêu ở trên nếu dùng đúng theo liều lượng đã quy định thường có tác dụng hiệu quả tốt. Tuy nhiên nếu dùng quá liều quy định và kéo dài thời gian điều trị sẽ có khả năng gây nên những tai biến ở mắt. Vì vậy cần thận trọng khi chỉ định điều trị và kiểm soát diễn biến tác dụng có hại của thuốc trên bệnh lý lâm sàng.
|