|
Sốt rét ác tính ở trẻ em cần nhận biết để xử trí chính xác, kịp thời (ảnh minh họa) |
Cách nhận biết sốt rét ác tính ở trẻ em
Trong vùng sốt rét lưu hành, ngoài bệnh sốt rét mắc phải; trẻ em có thể bị nhiễm nhiều loại bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue, sốt thương hàn, sốt mò, cảm cúm, viêm họng, viêm tuyến amidan, viêm não... Vì vậy nên chú ý phân biệt để tránh nhầm lẫn. Đặc biệt khi mắc sốt rét ác tính; trẻ dễ có nguy cơ bị tử vong nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Cần nhận biết sốt rét ác tính ở trẻ em để xử trí phù hợp là điều cần thiết. Đặc điểm trẻ em mắc sốt rét ác tính thường hay có triệu chứng nôn mửa kèm theo ho làm cho việc chẩn đoán lâm sàng dễ bị lạc hướng. Trong một số trường hợp, trẻ bị sốt cao co giật và sau đó thường bất tỉnh khoảng nửa giờ đồng hồ trở lại không thể xác định ngay là sốt rét ác tính mà cần khám kỹ hơn và xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Thường sau một cơn co giật, trẻ bị hôn mê ít nhất 30 phút trở lên mới có giá trị xác định nghi vấn mắc sốt rét ác tính. Trên thực tế, việc đánh giá mức độ hôn mê ở trẻ em bị sốt rét ác tính khó hơn người lớn; chủ yếu dựa vào các đáp ứng đau, đáp ứng gọi-hỏi, phản xạ gân xương, phản xạ giác mạc-đồng tử và vận động của nhãn cầu. Hiện nay theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành; việc đánh giá mức độ hôn mê ở trẻ em mắc sốt rét ác tính căn cứ vào thang điểm Blantyre của các dấu hiệu trên lâm sàng gồm cử động mắt, đáp ứng vận động và đáp ứng lời nói. Xác định dấu hiệu cử động mắt 1 điểm khi trẻ nhìn theo một hướng nào đó như theo mặt của người mẹ, 0 điểm khi trẻ không nhìn theo. Xác định dấu hiệu vận động 2 điểm khi trẻ bị kích thích tại chỗ có phản ứng đau, 1 điểm khi trẻ co tay hoặc chân với kích thích đau, 0 điểm khi trẻ vận động không đặc hiệu hoặc không đáp ứng. Xác định dấu hiệu đáp ứng lời nói 2 điểm khi trẻ khóc to bình thường, 1 điểm khi trẻ khóc yếu hoặc rên rỉ, 0 điểm khi trẻ không đáp ứng khóc. Với 3 dấu hiệu lâm sàng được xác định điểm, có thể đánh giá trẻ bị rối loạn ý thức khi có tổng số dưới 5 điểm và trẻ bị hôn mê khi có tổng số từ 3 điểm trở xuống theo thang điểm Blantyre quy định. Cần lưu ý tất cả mọi trường hợp hôn mê xuất hiện nhanh ở trẻ em cần phân biệt với cơn hạ đường huyết. Triệu chứng co giật ở trẻ bị mắc sốt rét ác tính thể não không phải trường hợp nào cũng là triệu chứng biểu hiện của thể não, thực tế đôi khi có thể là cơn co giật của biến chứng hạ đường huyết hoặc là cơn co giật do sốt cao; vì vậy cần phân biệt rõ để thực hiện việc cấp cứu được chính xác, kịp thời. Một đặc điểm cần quan tâm là trẻ em bị sốt rét ác tính thường có cơn co giật xuất hiện trong hôn mê, tuy vậy cũng có khi xảy ra trước hôn mê. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có triệu chứng tăng trương lực cơ, ở tư thế duỗi cứng, thậm chí lật ngược lại dễ nhầm với dấu hiệu của bệnh uốn ván, viêm màng não. Xét nghiêm máu thấy bạch cầu của trẻ đôi khi tăng nhưng không nhất thiết là mắc sốt rét ác tính có bội nhiễm. Tỷ lệ trẻ em bị tử vong do sốt rét ác tính chiếm khoảng 15 đến 30%, cao gấp 2-3 lần so với người lớn và thường trẻ bị chết nhanh trong vòng 1-2 ngày đầu. Nếu được phục hồi thì thời gian cũng nhanh hơn người lớn, trung bình khoảng sau 30 giờ. Theo một số nhà khoa học, di chứng để lại cho trẻ bị sốt rét ác tính chiếm tỷ lệ khoảng 10% như liệt nửa người, rối loạn tiểu não, mù lòa, chậm phát triển tư duy... Tình trạng mất nước ở trẻ em bị sốt rét ác tính cũng phổ biến nhiều hơn so với người lớn; thường biểu hiện triệu chứng môi khô, mắt trũng, sụt cân, khát nước, đi tiểu ít, tỷ trọng nước tiểu cao. Xét nghiệm thấy natri nước tiểu thấp, chất cặn nước tiểu bình thường; u-rê máu trên 6,5mmol/l phản ánh một tình trạng thiếu nước. Đây không phải là bệnh lý của suy thận cấp thực thể và hiếm gặp ở trẻ. Biểu hiện thiếu máu ở trẻ em mắc sốt rét ác tính cũng thường trầm trọng hơn người lớn, chủ yếu xảy ra trong những trường hợp bệnh có mật độ ký sinh trùng sốt rét cao. Triệu chứng ghi nhận là mạch nhanh, khó thở, gan to, tim có tiếng thổi tâm thu, thậm chí bị suy tim, có nhịp ngựa phi... Trường hợp thiếu máu nặng sẽ góp phần làm cho hội chứng não xảy ra với dấu hệu vật vã, hôn mê... Biến chứng hạ đường huyết ở trẻ em mắc sốt rét ác tính đặc biệt phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi hay có liên quan đến tình trạng mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, hôn mê sâu, cơn co giật... Về mặt lâm sàng, đôi khi khó phát hiện biến chứng hạ đường huyết vì trên thực tế một số biểu hiện của chứng hạ đường huyết rất giống sốt rét ác tính thể não như hôn mê, co giật... Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành, một số biểu hiện thường gặp trong sốt rét ác tính ở trẻ em cần chú ý là triệu chứng thiếu máu, hôn mê, co giật, hạ đường huyết và toan chuyển hóa. Vì vậy cơ sở y tế ở các tuyến cần quan tâm đến vấn đề này để chẩn đoán xác định, nhận biết sốt rét ác tính ở trẻ em để tránh nhầm lẫn. Trường hợp xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét âm tính, cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác, khai thác kỹ yếu tố dịch tễ liên quan để tìm các nguyên nhân cụ thể nhằm chẩn đoán phân biệt với hôn mê do viêm não, viêm màng não, nhiễm khuẩn nặng...; vàng da, vàng mắt do xoắn trùng, nhiễm khuẩn đường mật, viêm gan vi-rút, tán huyết...; sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết, sốt mò...; suy hô hấp cấp do các nguyên nhân khác. Một vấn đề lưu ý là trẻ em khi mắc bệnh sốt rét rất dễ có nguy cơ chuyển thành sốt rét ác tính gây hậu quả tử vong. Vì vậy cần phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét thể thông thường; đồng thời phải nhận biết các dấu hiệu sốt rét ác tính để xử trí phù hợp, chính xác để hạn chế tử vong.
|