Hạ đường huyết trong bệnh sốt rét
Theo các nhà khoa học, hạ đường huyết là một biến chứng thường hay xảy ra và ngày càng được chú ý khi bệnh nhân bị mắc sốt rét do nhiễm Plasmodium falciparum, một loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét ác tính khá phổ biến tại nước ta. Trong quá trình điều trị và theo dõi, cần quan tâm đến biến chứng này để phát hiện và có biện pháp xử trí phù hợp. Nguyên nhân gây hạ đường huyết Ở những bệnh nhân sốt rét nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum, biến chứng hạ đường huyết có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân thường gặp do hậu quả của việc điều trị khi sử dụng thuốc quinin vì chính thuốc này là yếu tố làm tăng hoạt các tế bào tụy tạng tiết ra nhiều nội tiết tố insulin gây hạ đường huyết. Một nguyên nhân cũng được ghi nhận là do sự tiêu thụ chất đường glucose của cả ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm và cơ thể bệnh nhân đều có nhu cầu tăng lên trong cơn sốt rét do nhiễm Plasmodium falciparum; từ đó sự chuyển hóa chất dường glucose sẽ nhanh hơn, sự hủy yếm khí glucose vượt quá ngưỡng lọc được của gan, tình trạng toan lactic phát sinh và bệnh lý trở thành nặng. Việc thiếu hụt chất glycogen hoặc không tân tạo được glycogen ở gan cũng là nguyên nhân gây biến chứng hạ đường huyết, trường hợp này bệnh nhân bị hạ đường huyết nhưng lại giảm nội tiết tố insulin ở máu, đồng thời thường kèm theo tăng lactat và alanin; sự giảm tân tạo glycogen ở gan có thể do nhiễm toan lactic, nhiễm huyết nội độc tố và giảm cung cấp tưới máu cho gan; người bệnh không thể ăn được hoặc ăn rất ít. Phụ nữ có thai mắc sốt rét dễ có nguy cơ hạ đường huyết (ảnh minh họa)
Sự xuất hiện của biến chứng hạ đường huyết Biểu hiện của biến chứng hạ đường huyết được xác định khi xét nghiệm máu ghi nhận chỉ số đường huyết dưới 70 mg/dl hoặc dưới 4 mmol/l. Nếu chỉ số này dưới 50 mg/dl hoặc dưới 2,7 mmol/l thì gọi là hạ đường huyết nặng. Trên thực tế lâm sàng, biến chứng này thường xuất hiện trong 3 trường hợp sau đây: Hạ đường huyết có liên quan đến việc sử dụng thuốc quinin trong điều trị sốt rét xảy ra khá phổ biến, hay gặp ở bệnh nhân mọi lứa tuổi kể cả nam lẫn nữ, đặc biệt là ở phụ nữ đang mang thai. Theo các nhà khoa học, loại thuốc này có khả năng làm tăng nội tiết tố insulin trong huyết tương dẫn đến hiện tượng hạ đường huyết. Hạ đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân nữ đang có thai bị mắc bệnh sốt rét do nhiễm loại ký sinh trùng Plasmodium falciparum. Dù người bệnh mắc sốt rét thể nặng hay thể nhẹ, thể thông thường hay thể sốt rét ác tính, có điều trị bằng thuốc quinin hay không đều có thể bị hạ đường huyết; có khi hiện tượng này xảy ra một cách tiềm tàng. Hạ đường huyết cũng hay gặp ở bệnh nhân mắc sốt rét nặng và sốt rét ác tính nhiều hơn ở bệnh nhân mắc sốt rét thể thông thường. Trên thực tế thường ghi nhận ở người bệnh bị sốt rét ác tính thể não, có biến chứng suy gan cấp, thiếu máu nặng, mật độ ký sinh trùng sốt rét cao, bị toan lactic. Trường hợp này xuất hiện ở bệnh nhân trẻ em nhiều hơn người lớn. Biểu hiện dấu hiệu hạ đường huyết Thực tế dấu hiệu hạ đường huyết thường hay gặp ở bệnh nhân mắc bệnh sốt rét được điều trị bằng thuốc quinin với các biểu hiện triệu chứng bệnh lý kinh điển như nhức đầu, mờ mắt, ù tai, hồi hộp, thở dốc, mạch và tim đập nhanh, huyết áp hạ, gai rét, toát nhiều mồ hôi, cảm giác đói bụng; thậm chí bị lo âu, chóng mặt, ngất xỉu, vật vã, run rẩy, yếu sức, mệt mỏi, bại hoặc liệt chân tay, co giật cục bộ hay toàn thân, rối loạn định hướng, hôn mê, tăng trương lực cơ, phản xạ gân xương tăng, nghiệm pháp Babinski dương tính ở cả hai bên... Trên lâm sàng, những dấu hiệu nêu trên dễ bị bỏ qua vì có nhiều điểm tương tự của bệnh lý sốt rét và sốt rét ác tính. Dấu hiệu hạ đường huyết trong sốt rét ác tính thể não khó phát hiện hơn sốt rét thể thông thường, vì vậy có thể làm cho bệnh nặng thêm, bị hôn mê sâu hơn, mất phản xạ giác mạc, dễ xuất hiện triệu chứng co giật hơn so với sốt rét ác tính thể não không có biến chứng hạ đường huyết. Vì vậy cần xét nghiệm chỉ số đường huyết trong máu của bệnh nhân sốt rét vào buổi sáng trước khi tiêm truyền thuốc, đặc biệt là quinin. Các dấu hiệu của triệu chứng hạ huyết áp thường gặp (ảnh minh họa)
Những điều cảnh báo và cách xử trí hạ đường huyết Như trên đã nêu, biến chứng hạ đường huyết thường dễ xảy ra ở đối tượng trẻ em và phụ nữ có thai mắc sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính do nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum. Nếu trường hợp có sử dụng thuốc quinin để điều trị can thiệp thì triệu chứng hạ đường huyết lại càng dễ xảy ra dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Có thể nói hạ đường huyết là biến chứng phổ biến ở phụ nữ có thai mắc sốt rét ác tính thể não và thường gặp ở khoảng 50% các trường hợp được điều trị bằng thuốc quinin, có khi xuất hiện ngay trong lần tiêm truyền thuốc quinin đầu tiên. Các nhà khoa học cho rằng trong thai nghén tế bào tụy tạng tăng đáp ứng với những chất kích thích tiết nội tiết tố insulin như quinin và triệu chứng hạ đường huyết thường khó phát hiện trên lâm sàng; đôi khi kèm theo dấu hiệu động thai, suy thai với tim thai chậm và yếu hoặc nhiễm toan lactic ở người mẹ. Phụ nữ mang thai bị mắc sốt rét trong quý 2 và quý 3 được điều trị bằng thuốc quinin cũng có thể bị hạ đường huyết với triệu chứng như nhịn đói kém, vã mồ hôi, bất tỉnh... cần được xác đinh rõ để phân biệt với sốt rét ác tính thể não. Trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh được Bộ Y tế ban hành năm 2013 đã lưu ý phụ nữ có thai khi mắc sốt rét ác tính có thể bị sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu và dẫn đến tử vong do ảnh hưởng bởi các biến chứng trầm trọng, trong đó có biến chứng hạ đường huyết. Điều cảnh báo này được nhấn mạnh là phụ nữ có thai hay bị hạ đường huyết nhất là khi mắc sốt rét được điều trị bằng thuốc quinin; vì vậy trong điều trị nên truyền kết hợp dung dịch glucose 10% và thường xuyên theo dõi chỉ số glucose máu để phát hiện sự bất thường. Trẻ em khi mắc sốt rét ác tính cũng dễ xảy ra biến chứng hạ đường huyết cùng với một số biến chứng trầm trọng khác nên cũng cần phải được quan tâm. Để xử trí biến chứng hạ đường huyết có hiệu quả, cần thực hiện một số biện pháp cụ thể như: Duy trì chế độ ăn của bệnh nhân qua ống thông dạ dày liên tục hoặc chia ra làm nhiều bữa. Nếu có dấu hiệu hạ đường huyết rõ thì tiêm tĩnh mạch chậm dung dịch glucose ưu trương 20% từ 30 đến 50 ml đối với người lớn, trẻ em dùng liều lượng 1 đến 2 ml/kg trọng lượng cơ thể. Sau đó truyền duy trì dung dịch glucose 10% liên tục trong 24 giờ; đặc biệt ở bệnh nhân có triệu chứng vàng da, suy gan cấp với liều lượng mỗi giờ từ 5 đến 6 gam glucose để phòng tránh hiện tượng hạ đường huyết tái phát. Trái lại, nếu có tình trạng tăngchỉ số đường huyết trên 10 mmol/l thì phải truyền nội tiết tố insulin tĩnh mạch liên tục với liều lượng thấp từ 1 đến 2 đơn vị mỗi giờ để duy trì chỉ số đường huyết trong máu khoảng từ 8 đến 10 mmol/l.
|