Home TRANG CHỦ Thứ 6, ngày 22/11/2024
    Hỏi đáp   Diễn đàn   Sơ đồ site     Liên hệ     English
IMPE-QN
Web Sites & Commerce Giới thiệu
Web Sites & Commerce Tin tức - Sự kiện
Web Sites & Commerce Hoạt động hợp tác
Web Sites & Commerce Hoạt động đào tạo
Finance & Retail Chuyên đề
Dịch tễ học
Côn trùng học
Nghiên cứu lâm sàng & điều trị
Ký sinh trùng sốt rét
Ký sinh trùng
Sinh học phân tử
Sán lá gan
Sốt xuất huyết
Bệnh do véc tơ truyền
Vi khuẩn & Vi rút
Sán
Giun
Nấm-Đơn bào
Web Sites & Commerce Tư vấn sức khỏe
Web Sites & Commerce Tạp chí-Ấn phẩm
Web Sites & Commerce Thư viện điện tử
Web Sites & Commerce Hoạt động Đảng & Đoàn thể
Web Sites & Commerce Bạn trẻ
Web Sites & Commerce Văn bản pháp quy
Số liệu thống kê
Web Sites & Commerce An toàn thực phẩm & hóa chất
Web Sites & Commerce Thầy thuốc và Danh nhân
Web Sites & Commerce Ngành Y-Vinh dự và trách nhiệm
Web Sites & Commerce Trung tâm dịch vụ
Web Sites & Commerce Thông báo-Công khai
Web Sites & Commerce Góc thư giản

Tìm kiếm

Đăng nhập
Tên truy cập
Mật khẩu

WEBLINKS
Website liên kết khác
 
 
Số lượt truy cập:
5 4 1 8 3 8 5 4
Số người đang truy cập
5 9 7
 Chuyên đề Côn trùng học
Đặc điểm sinh học vector sốt rét và lan truyền sốt rét ở một số quốc gia Đông Nam Á (Phần 2)

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến nay sốt rét vẫn là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên thế giới cũng như Đông Nam Á, theo đó cần thiết phải có nhiều nghiên cứu về vector sốt rét và kiểm soát vector ở một số quốc gia thuộc khu vực này như Malaysia, Myanmar, Thái Lan...

Malaysia

Liên bang Malaysia, một chế độ quân chủ lập hiến ở Đông Nam Á, gồm 13 bang và 3 khu vực liên bang, có tổng diện tích là 329,847 km² được phân chia thành hai khu vực có diện tích tương đương nhau, Peninsular Malaysia nằm ở đất liền Đông Nam Á và Malaysian Borneo. Malaysia có biên giới giáp với Thái Lan, IndonesiaBrunei và biên giới bờ biển giáp với Singapore, Việt NamPhilippines. Malaysia là quốc gia đa sắc dân tộc gồm người Mã Lai, Trung Quốc, Ấn Độ, Iban, Kadazans và các nhóm dân tộc nhỏ với tổng dân số khoảng 28,3 triệu người [93].

 

Một số bệnh do vector truyền vẫn còn nghiêm trọng ở Malaysia kể cả bệnh sốt rét. Trong thập niên 1960, số ca mắc sốt rét ước tính khoảng 300.000 ca mỗi năm trước khi Chương trình loại trừ sốt rét được đưa ra (the Malaria Eradication Program -MEP).

Chương trình đã thành công trong việc giảm đáng kể lan truyền sốt rét với số ca giảm từ 181.495 ca lúc bắt đầu chương trình MEP vào năm 1967 xuống còn 44.226 ca đến cuối chương trình vào năm 1980. Năm 1983, Malaysia đã thay đổi chiến lược tập trung vào kiểm soát bằng cách thông qua Chương trình kiểm soát sốt rét (the Malaria Control Program-MCP). MCP tiếp tục cuộc chiến chống lại sốt rét trước khi tái tổ chức vào Chương trình Kiểm soát bệnh do Vector truyền (the Vector-Borne Disease Control Program_VBDCP) năm 2010. Mục tiêu chính của chương trình hiện nay là tiếp tục giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do sốt rét và ngăn chặn sự xuất hiện sốt rét trở lại ở những khu vực không lưu hành. VBDCP cũng bao gồm các hoạt động phòng chống các bệnh do vector truyền khác như sốt xuất huyết và bệnh giun chỉ bạch huyết [94],[95]. Các hoạt động của MCP đã thành công trong việc giảm số ca mắc sốt rét tại Malaysia từ 48.007 trường hợp trong năm 1986 xuống còn 7.010 trường hợp trong năm 2009 [96],[97].

 

Hiện nay, bệnh sốt rét vẫn là một trong những bệnh do vector truyền quan trọng nhất ở Malaysia, chủ yếu ở Malaysia Borneo (bang Sarawak và Sabah), mặc dù chỉ có 4% dân số đang sinh sống tại các khu vực có lan truyền sốt rét đang xảy ra [3]. Những khu vực dai dẳng này một phần là do KSTSR kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất diệt côn trùng và di cư qua biên giới. Trong năm 2005, đã có gần hai triệu người lao động nhập cư hợp pháp vào Malaysia. Hầu hết những người nước ngoài đến từ các nước có bệnh sốt rét lưu hành, phần lớn là từ Indonesia (68,9%), tiếp theo là Nepal (9,9%), Ấn Độ (6,9%) và Myanmar (4,6%) [98],[99]. Ngoài ra, nguy cơ mắc sốt rét cao trong số các nhóm dân cư bản địa như Orang Asli, những người sống ở bên trong bán đảo Malaysia ở đồi núi xa xôi, ở các khu vực rừng nhiệt đới bị tàn phá [96]. Trong năm 2009, có 7.010 trường hợp mắc bệnh sốt rét đã được báo cáo trên phạm vi cả nước với khoảng 57,2% các trường hợp mắc xảy ra ở Sabah, 26% ở Sarawak và 16,8% ở bán đảo Malaysia.

Hầu hết các ca sốt rét là do Plasmodium vivax (48.15%), tiếp đến là P. falciparum (26,75%), P. knowlesi (13,01%), P. malariae (8.37%) và nhiễm phối hợp (3,68%) [97],[2]. Gần đây, Plasmodium knowlesi đã được công nhận như loài sốt rét quan trọng được lan truyền từ động vật sang người ở miền đông Malaysia (Borneo) và các ổ dịch đã được tìm thấy chủ yếu ở Borneo, Sarawak và Sabah và Tây Malaysia [100] cũng như các quốc gia khác khu vực Đông Nam Á. Tại Malaysia, loài An. latensAn. cracens (cả hai thuộc thành viên của nhóm An. leucosphyrus) là hai vector chính truyền P. knowlesi [101],[102],[103].

Malaysia đã đưa ra chương trình kiểm soát vector quốc gia bao gồm mục tiêu sử dụng phun tồn lưu trong nhà (IRS), phân phối màn ITNs, thuốc điều trị sốt rét kết hợp dựa vào artemisinin, diệt bọ gậy của các vector sốt rét ở trong môi trường thủy sinh, các biện pháp quản lý môi trường và các phương pháp bảo vệ cá nhân [104]. Sau nhiều năm sử dụng hóa chất diệt côn trùng để kiểm soát vector, phát triển kháng sinh lý đối với hóa chất diệt côn trùng đã được phát hiện ở một số vector sốt rét. Hii (1984) đã báo cáo loài An. balabacensis tăng sức chịu đựng với DDT và nhiều năm sau đó một số loài anopheline khác cũng đã phát triển kháng với DDT và permethrin [105].

Vector sốt rét tại Malaysia

Malaysia, có 75 loài Anopheles đã được ghi nhận nhưng chỉ có 9 loài trong tổng số 75 loài là vector sốt rét gồm An. balabacensis An. latens (cả phức hợp Leucosphyrus), An. cracens (Phức hợp Dirus), An. maculatus (Nhóm Maculatus Group), An. letifer, An. campestris, An. sundaicus An. epiroticus (cả Phức hợp Sundaicus), An. donaldi An.flavirostris [96]. Mỗi loài được xem là một vector sốt rét ở các vùng khác nhau, đôi khi chúng cùng tồn tại trong cùng một vùng phân bố (Bảng 1).

Bảng 1. Các vector truyền bệnh sốt rét ở Malaysia

 

Loài Anopheline

Peninsular Malaysia

Sarawak và Sabah

An. balabacensis

 

+

An. campestris

+

 

An. cracens (=An. dirus B)

+

 

An. donaldi

+

+

An. flavirostris

 

+

An. letifer

+

+

An. latens (=An. leucosphyrus A)

 

+

An. maculatus

+

+

An. epiroticus/An. sundaicus

+

+


Anopheles maculatus nằm trong nhóm loài gồm ít nhất 9 loài liên quan đến di truyền [39]. Trong lịch sử, An. maculatus là vector chính lan truyền sốt rét ở Tây Malaysia, đặc biệt là ở các khu vực đồi núi không có rừng rậm [106],[107],[108]. Loài này thích đẻ trong các hồ được hình thành dọc theo các bờ sông yên tỉnh và các dòng suối nhỏ. Các môi trường sống của ấu trùng bao gồm cácvũng nước sạch nông (độ sâu 5-15 cm), với bề mặt bùn và các thực vật hoặc vật nổi trên bề mặt nước [109]. Ở Borneo, loài này dường như thích đốt động vật hơn và không được xem là vector sốt rét có tầm quan trọng [106].
 

Anopheles campestris thuộc phân nhóm Barbirostris (giống phụ Anopheles) và là một vector tiềm năng truyền bệnh sốt rét và giun chỉ bạch huyết, đặc biệt dọc theo bờ biển phía tây của bán đảo Malaysia [110]. Bọ gậy thường phổ biến trong ruộng lúa, những hố đào, mương nước tù đọng trong vườn dừa, giếng đất và đôi khi trong nước hơi lợ [111]. Reid (1968) báo cáo rằng loài này có thể được tìm thấy trong vùng nước sâu với một số thảm thực vật và che ánh sáng. Muỗi trưởng thành thường đốt người và sẽ bay vào nhà để đốt máu và nghỉ.

Anopheles cracens (trước đây là An. dirus B), là một thành viên của Phức hợp loài Dirus, chỉ tìm thấy trong ở khu vực đất liền SEA bán đảo Thái-Malaysia. An. cracens là vector truyền P. knowlesi ở Kuala Lipis của bán đảo Malaysia [102]. Đặc trưng bọ gậy thường sống tạm thời, ở những nơi có bóng râm, nước tù đọng, kể cả các hồ nước mặt đất, vũng nước, dấu chân động vật và giếng. Loài này được tìm thấy ở các khu vực đồi núi chứa đựng cây thường xanh thứ sinh hoặc nguyên sinh và rừng rụng lá, tre, nứa và rừng cây ăn quả và rừng trồng cao su [112],[113],[114].

Bọ gậy Anopheles letifer thích sống trong nước tù động màu nâu sẫm (thường có tính axit), tìm thấy trong các đầm lầy than bùn, đặc biệt ở rừng nhiệt đới bị tàn phá dọc ven rừng, có hoặc không có bóng râm. Những vùng trồng dầu cọ cũng là môi trường sống cho An. letifer liên quan đến việc mở và chặn đầm lầy [115]. Bán đảo Malaysia, An. letifer được xem là vector sốt rét ở người và giun chỉ Bancroftian [106, 96, 116], đặc biệt là ở độ cao thấp trên các vùng đồng bằng ven biển.

 

Anopheles epiroticus (trước đây là loài An. sundaicus A) và An. sundaicus s.s. là những thành viên của Phức hợp loài Sundaicus [117] và được xem là vector sốt rét quan trọng ở các khu vực ven biển[106],[118],[44]. Ở bán đảo Malaysia, An. epiroticus xảy ra chủ yếu dọc theo các vùng ven biển, trong khi An. epiroticus được tìm thấy ở Sarawak (Borneo) [46]. Các giai đoạn chưa trưởng thành thường được tìm thấy trong hồ nước lợ có ánh nắng mặt trời, có chứa tảo sợi và nổi, và thảm thực vật thưa thớt. Đặc biệt là môi trường sống thuận lợi bao gồm các ao, đầm, phà, rừng ngập mặn, các hồ nước và các trại nuôi tôm ven biển bị bỏ hoặc kém duy trì và ao cá [46]. Muỗi trưởng thành nghỉ ngơi vào ban ngày cả trong và ngoài nhà và sẵn sàng đốt người trong nhà. Tỷ lệ nhiễm thoa trùng thường có thể tương đối thấp, nhưng bù lại mật độ muỗi cao [106].

 

Anopheles donaldi là một trong số các vector sốt rét chính ở Sarawak với tỷ lệ nhiễm thoa trùng được báo cáo là 0,23% [119]. Loài này thích các dòng suối nhỏ và các hồ mặt đất, có chứa nước sạch và bóng râm, đôi khi cũng thấy những cánh đồng lúa và vùng đầm lầy [106],[115]. Muỗi trưởng thành được tìm thấy ven rừng ở các khu vực đồi núi và gần đầm lầy cây che ở vùng đất thấp [106].

Anopheles balabacensis, một thành viên của Phức hợp Leucosphyrus, được xem là vector sốt rét chính ở Sabah [120],[111]. Loài này xuất hiện trong khu vực rừng Malaysia Borneo (Đông Sarawak và Sabah). Các giai đoạn chưa trưởng thành chủ yếu được tìm thấy trong các hồ nước ngọt ứ động có bóng râm bao gồm cả các vũng nước nhỏ mặt đất, dấu chân động vật, dấu bánh xe, mương và hồ nước [59]. Ngoài ra, An. balabacensis cũng là một vector truyền Wuchereria bancrofti gây bệnh giun chỉ bạch huyết [121] [16]. Trong hầu hết các khu vực, loài này là rất thích đốt người và sẽ sẵn sàng vào nhà tấn công người.

Anopheles flavirostris là vector sốt rét ở Sabah dọc bờ biển phía đông [111] thuộc phân nhóm Minimus [122]. Loài này chứng minh có tập tính ưa đốt người (anthropophilic) và đốt người trong nhà ở Sabah. Bọ gậy An. flavirostris được tìm thấyở nước sạch, sống ở các dòng suối chạy chậm được che phủ bởi thảm thực vật và hai bên bờ có thực vật nổi hoặc cỏ [123]. Anopheles latens (trước đây An. leucosphyrus A), một thành viên của Nhóm Leucosphyrus, là vector sốt rét chính ở người tại Sarawak. Ngoài ra, An. latens cũng truyền ký sinh trùng sốt rét khỉ, P. knowlesi sang người ở Sarawak [101]. Giống như tất cả các thành viên trong nhóm, loàinày sống trong rừng và môi trường sống của ấu trùng An. latens chủ yếu được tìm thấy ở những nơi có bóng râm, những vũng nước tạm thời, các vũng nước nhỏ hai bên mép của dòng suối trong rừng và các dụng cụ nước sạch tự nhiên hoặc nước đục ở các khu vực rừng [59]. Tại Sarawak, [124] loài này thường được tìm thấy ở các vùng nước có bóng râm, dòng suối trong rừng và các vùng đầm lầy. Muỗi trưởng thành sẽ vào nhà đốt người vào buổi tối, thường ngừng hoạt động cho đến sau 22 giờ.

Tác động của sự thay đổi các điều kiện môi trường đến vector sốt rét và lan truyền bệnh

Malaysia, lan truyền sốt rét xuất hiện gắn liền với sự phát triển đất canh tác hơn là các dự án phát triển nước [125]. Mục đích sử dụng đất thay đổi chẳng hạn như phá rừng, gia tăng đô thị hóa và nông nghiệp có thể tác động trực tiếp đến sự phong phú muỗi, đa dạng loài, tập tính đốt máu và năng lực vector [77]. Ví dụ, tác động của việc phá rừng để trồng cao su cho thấy, nhiều đất và các dòng suối có ánh sáng mặt trời trực tiếp và do đó làm tăng và mở rộng môi trường sống phù hợp với đối với loài An. maculatus, điều này tiếp tục dẫn đến một sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của bệnh sốt rét [126]. Vythilingam và cộng sự [119] thấy rằng, An. donaldi xuất hiện để thay thế An. balabacensis như là vector sốt rét chính ở Kinabatangan của bang Sabah đó là kết quả của việc phá rừng và các hoạt động kiểm soát sốt rét. Tương tự như vậy, việc xóa bỏ rừng ngập mặn và các đầm lầy để nuôi trồng thủy sản cá hoặc khai thác dẫn đến sự gia tăng môi trường sống phù hợp cho bọ gậy của vector giun chỉ bạch huyết và An. epiroticus theo sau các đợt bùng phát bệnh sốt rét [76],[119],[127].

 

Myanmar

Myanmar (trước đây gọi là Burma: Miến Điện) có tổng diện dích 678,500 km², có biên giới với 3 quốc gia gồm 193 km với Bangladesh; 2,185 km với Trung Quốc; 1,463 km với Ấn Độ; 1,800 km với Thái Lan và một đoạn đường biên tương đối nhỏ giáp với Lào. Về mặt hành chính, Myanmar chia thành 14 bang và các phần, 65 huyện, 325 thị trấn. Myanmar có khí hậu nhiệt đới với gió mùa Tây Nam từ tháng 6 đến tháng 9 và gió mùa Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Sự di dân qua biên giới quốc tế thông qua các điểm cụ thể đi vào từ Myanmar bao gồm Tachilek, Myawaddy và Kawthaung, Thái Lan; Muse, Namkhan và Khukok, Trung Quốc; Tamu, Ấn Độ; và Maungdaw, Bangladesh. Cũng có những điểm ít quan trọng khác vào Thái Lan, nơi người dân Thái và Miến Điện thường chỉ cần thông qua biên giới hợp lệ để vượt qua các điểm kiểm tra chính thức. Tại Mae Sai, khoảng 60.000 người Thái và 30.000 người Miến Điện qua lại biên giới vào năm 1997. Đó là một trong những lý do quan trọng giải thích tại sao tỷ lệ mắc bệnh sốt rét và tử vong sốt rét dọc theo biên giới Thái Lan-Myanmar đặc biệt cao và dai dẵng đối với hầu hết các phương pháp kiểm soát [127] và đó là lý do giải thích tại sao bệnh đạt đỉnh điểm cao nhất giai đoạn năm 1988 và 1991 [128].

Sốt rét là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng tại Myanmar, đặc biệt dọc theo những vùng biên giới quốc tế [129]. Các trường hợp mắc sốt rét được xác nhận tại Myanmar tăng từ 120.029 trong năm 2000 lên 447.073 ca mắc sốt rét trong năm 2008. Báo cáo Sốt rét thế giới (WMR) năm 2009 cho biết, Myanmar (Miến Điện), với dân số trên 50 triệu người, số ca sốt rét chiếm 17% ​​tất cả các trường hợp sốt rét được ghi nhận ở Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khu vực [47]. Có 400.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét được xác nhận và khoảng 1.100 trường hợp tử vong do sốt rét trong năm 2008, xảy ra ở 284 thị trấn trong tổng số 324 thị trấn [85].

Trong năm 2008, bang Chin báo cáo tỷ lệ mắc bệnh cao nhất 44,7/1.000 dân, trong khi đó số ca mắc cao nhất đã được báo cáo ở bang Rakhine, tiếp theo là bang Sagaing[130],[131].

Nhìn chung, các đỉnh lan truyền bệnh sốt rét ngay trước và sau những cơn mưa gió mùa thường xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9. Các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất bao gồm: 1) những người sống hoặc di chuyển vào vùng có nguy cơ sốt rét cao, đặc biệt là dọc theo biên giới; 2) người di cư quốc tế hoặc người lao động tham gia khai thác, sản xuất nông nghiệp (ví dụ, các đồn điền cao su), việc xây dựng các đập nước, đường giao thông, các công trình thủy lợi; 3) những người làm nông hoặc liên quan đến công việc gần hoặc trong rừng và dọc theo ven rừng như khai thác gỗ và tre; 4) phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi; và 5) các dân tộc thiểu số sống ở những khu vực vùng sâu vùng xa với khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu khó khăn. Trong tổng dân số 60 triệu người, tỷ lệ dân cư sống dưới mức độ nguy cơ sốt rét hay không có sốt rét như sau: nguy cơ cao 37%, nguy cơ thấp 23% và không có nguy cơ 40% [3]. Tổng cộng 36 thị trấn có tỷ lệ tử vong cao hơn 4% trong các trường hợp được chẩn đoán [132]. Số lượng đáng kể các dân tộc thiểu số (khoảng 100.000) sống trong các trại tị nạn bán kiên cố dọc theo biên giới Thái - Myanmar nơi cường độ lan truyền sốt rét diễn ra mạnh mẽ. Chính sách của chính phủ Thái Lan là cuối cùng cho hồi hương dân tộc Shan và các dân tộc thiểu số khác về lại Myanmar.

 
Hình 3. Tỷ lệ tử vong và tỷ lệ mắc sốt rét ở Myanma giai đoạn 1988 - 2008

Tất cả 4 loài Plasmodia nhiễm ở người (P. falciparum, P. vivax, P. malariae và P. ovale) đều có mặt tại Myanmar. Trong năm 2008, NMCP Myanmar đã báo cáo có 391.461 trường hợp nhiễm P. falciparum (chiếm 87,6% tất cả các trường hợp nhiễm sốt rét) tiếp theo là P. vivax với 52.256 trường hợp (11,7%), trong khi P. malariaeP. ovale lần lượt chỉ có 283 trường hợp và 5 trường hợp. Hiện nay, P. falciparum vẫn là loài KSTSR chiếm ưu thế với 68% tất cả các trường hợp phát hiện [3]. Ngoài ra, một trường hợp nhiễm P. knowlesi cũng được tìm thấy ở một công nhân Miến Điện tại tỉnh Ranong, Thái Lan.

Nhiễm ký sinh trùng sốt rét lan truyền từ động vật sang người này có thể đã nhiễm tại huyện Kawthaung, Myanmar, một huyện gần với tỉnh Ranong[133]. KSTSR Plasmodium falciparum kháng thuốc sốt rét là một mối quan tâm chính ở Myanmar. Hiện nay, KSTSR kháng Chloroquine và sulfadoxine-pyrimethamine (SP) ở các mức khác nhau là rất phổ biến. Ngoài ra, báo cáo cũng ghi nhận kháng trong một loạt trường hợp nhỏ đã xuất hiện. P. vivax kháng chloroquine đã được báo cáo [134[,[135].

Vector sốt rét và đa dạng loài

Do Myanmar có vị trí địa lý đa đạng nên số lượng tương đối lớn các loài vector tốt rét chiếm ưu thế. Myanmar có tổng cộng 36 loài muỗi Anopheles, thì có 10 loài tại 16 địa phương đã phát hiện muỗi nhiễm KSTSR [136]. Myanmar, các vector chính gây ra lan truyền sốt rét gồm An. dirus s.l. và An. minimus s.l. [59]. Các loài anopheline khác thích đốt máu động vật những cũng có thể dưới điều kiện thuận lợi chúng có thể đốt người [137, 138]. Vector phụ gồm An. aconitus, An.annularis s.l., An. culicifacies s.l., An. sinensis, An. jeyporiensis, An. maculatus s.l., An. philippinensis, An. sundaicus s.l. [136].

 
 
Hình 4. Tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong sốt rét trong giai đoạn 1988-2008

Tập tính muỗi Anopheline

Nhiều nghiên cứu gần đây về sự phân bố và các đặc điểm sinh thái học muỗi AnophelineMyanmar là do Oo cad và cộng sự [113],[136]. Anopheles baimaii là loài phổ biến nhất trong phức hợp loài Dirus có mặt tại Myanmar và đây cũng là vector chính ở nước láng giếng Bangladesh [113]. Số lượng giai đoạn ấu trùng được thu thập cao nhất trong giai đoạn trước và sau mùa mưa, trong khi số lượng thấp nhất được thấy trong những tháng lạnh- khô và nóng- khô.

Bọ gậy/lăng quăng được tìm thấy ở các vũng nước dọc theo bờ suối có nhiều bóng râm và trong các hốc tre đã bị chặt. Muỗi trưởng thành phong phú vào các tháng gió mùa với mật độ đạt đỉnh xảy ra từ tháng 9 đến tháng 10. An. dirus s.l. cũng đã được tìm thấy nghỉ ngơi vào ban ngày trong các đường nứt và thảm thực vật xung quanh các bức tường bên trong giếng nước và trên mặt dưới của lá chuối. Hành vi muỗi trưởng thành cho thấy, loài này hoạt động ngoài nhà rất cao và đốt cả người và gia súc. Một nghiên cứu trước đây [139] đã báo cáo xu hướng ưa đốt động vật cao hơn mặc dù những vị trí sinh sản được tìm thấy gần nơi ở của con người. Đỉnh đốt ngoài nhà xảy ra từ 21 giờ đến 3 giờ [139]. Kết quả mổ dạ dạy và tuyến nước bọt của muỗi để xác định tỷ lệ nhiễm tự nhiên ở các địa phương khác nhau giao động từ 0,4-2,8%. Tỷ lệ nhiễm cao nhất cho mổ dạ dạy là 0,4% (1/250) và mổ tuyến nước bọt là 2,4% (6/250).

Đối với An. minimus s.l., mật độ muỗi trưởng thành khác nhau theo mùa, mặc dù muỗi trưởng thành phong phú cả năm ở nhiều địa điểm khác nhau [136]. Tỷ lệ muỗi An. minimus s.l. cao nhất xảy ra những tháng sau gió mùa từ tháng 10 đến tháng 12. Muỗi trưởng thành thích nghỉ trong nhà và nơi sống của gia súc trong thời gian ban ngày. An. minimus s.l. ưu thích đốt máu người vào các giai đoạn khác nhau trong năm và các địa điểm khác nhau. Thậm chí khi có mặt gia súc, chỉ một tỷ lệ nhỏ muỗi xuất hiện chuyển sang đốt người. Anopheles minimus s.l. đốt máu chủ yếu đầu hôm bắt đầu trước 21 giờ và đạt đỉnh hoạt động đốt mồi trước hoặc sau nửa đêm. Tuy nhiên, khi mật độ muỗi trưởng thành cao, các quần thể muỗi An. minimus s.l. sẽ đốt suốt đêm (cả trong và ngoài nhà) với hoạt động tích cực nhất vào những giờ đầu hôm và giảm dần cho đến sáng (6:00 giờ). Tỷ lệ nhiễm ở cả dạ dạy và tuyến nước bọt đã được báo cáo là khác nhau từ 1,1-3,0%. Anopheles minimus s.l. chủ yếu ở vùng đồi núi, đến các thung lũng sông hẹp ở các khu vực nhiều núi hơn; nó không có mặt tại các địa điểm ở độ cao trên 915 m so với mực nước biển. Khi tìm thấy ở các vùng địa hình thấp, nó luôn luôn kết hợp với các hệ thống thủy lợi.

Anopheles aconitus là vector phụ ở một số địa điểm nhất định và là loài khá phong phú từ tháng 10 đến tháng 2, đạt đỉnh vào tháng 11 [136]. Từ tháng 3 đến tháng 9 nó rất hiếm khi được bắt gặp. An. aconitus phổ biến hơn ở những vùng đồi núi, chân đồi và cũng ở các vùng đồng bằng miền trung và miền nam Myanmar liên quan chặt chẽ với hoạt động canh tác lúa. Chỉ có một vài loài muỗi An. aconitus cái được tìm thấy nghỉ trong nhà hoặc chuồng ngựa trong thời gian ban ngày thích nghỉ ngơi ngoài trời trong cây bụi và các địa điểm khác. An. aconitus ưa thích đốt đốt gia súc, mặc dù nó sẽ đốt người nếu gia súc không có mặt hoặc có số lượng rất hạn chế. Loài này hoạt động sớm vào đầu buổi tối, bắt đầu 18:00 giờ và hoạt động rất ít sau 01:00 giờ.

            Tỷ lệ muỗi An. aconitus nhiễm KSTSR là 0,2% (1/350) [136]. An. annularis s.l. đã được tìm thấy ở vài địa phương có mật độ trưởng thành cao. Nước đọng với các cạnh có nhiều cỏ trong các hồ cố định, các hố nước trên mặt đất, các bể chứa nước, đầm lầy, cống ứ đọng và ruộng lúa là môi trường sống phổ biến của bọ gậy/lăng An. annularis. Sự phong phú của nó thay đổi theo lượng mưa. Tại các khu vực ven biển có mưa lớn (từ 3.800 mm đến 5.150 mm hàng năm), mật độ An. annularis thường tăng từ tháng 10 đến tháng 01. Loài này thích đốt gia súc (80-90%) và hoạt động đốt mồi chủ yếu từ 18 giờ đến 24 giờ. Tỷ lệ dạ dạy muỗi An. annularis nhiễm KSTSR là 0,1-0,2% (350-700 mẫu) [136].

 

            An. culicifacies s.l. là một vector sốt rét nghi nghờ ở miền trung Myanmar, đặc biệt là ở các khu vực đồng ruộng. Giai đoạn ấu trùng của loài này sống trong nước sạch (không bị ô nhiễm) và cũng có mặt trong các thùng chứa nước nhân tạo và hồ bơi không sử dụng. An. culicifacies phong phú hơn vào tháng 8 và tháng 9, giảm vào tháng 10 và hầu như không có mặt từ tháng 10 đến tháng 3. Muỗi trưởng thành thích nghỉ ngơi trong chuồng gia súc và nhà trong ngày, nhưng nó có thể mất nơi trú ẩn ở các nhà kho chứa lúa, xếp chồng lên nhau cháy gỗ và đống rơm gần chuồng ngựa và nhà ở bên ngoài. Anopheles culicifacies chủ yếu đốt gia súc với số lượng ít tấn công người. Loài này chủ yếu đốt mồi lúc nửa đêm và sau 3 giờ sáng muỗi đốt mồi rất ít. Tỷ lệ dạ dày muỗi nhiễm KSTSR (có mặt nang trứng) là 1,83% (6/328 muỗi được kiểm tra) [136].

            Khi mật độ muỗi trưởng thành cao, An. sinensis là vector phụ dọc biên giới Myanmar - Trung Quốc. Ấu trùng được tìm thấy phổ biến ở các vùng nước đọng và ruộng lúa. Loài này tìm thấy từ tháng 7 đến tháng 12 với đỉnh vào tháng 8. Loài này ưa thích đốt động vật hơn là đốt người, rất ít bắt được muỗi đốt người vào ban đêm. Đỉnh hoạt động đốt mồi của An. sinensis là lúc đầu hôm bắt đầu 18 giờ. Ở bang Shan, dọc biên giới Myanmar-Trung Quốc, 300 mẫu An. sinensis được kiểm tra thì phát hiện 6 mẫu nhiễm KSTSR với tỷ lệ 2,3% (6/300) [139]. Anopheles jeyporiensis được xem là vector phụ ở các khu vực biên giới Myanmar-Trung Quốc và Myanmar-Bangladesh khi mật độ muỗi trưởng thành cao. Các giai đoạn chưa trưởng thành được tìm thấy chủ yếu dọc theo hai bên bờ các dòng suối chảy chậm và các mép nhiều cỏ của dòng sông và thường phân bố cùng với ấu trùng muỗi An. aconitus. Ruộng lúa là những vị trí hấp dẫn cho muỗi An. jeyporiensis sinh sản khi không trồng hoặc các giai đoạn đầu tiên trong quá trình cây lúa phát triển, nhưng trở nên không thuận lợi khi cây lúa gia tăng chiều cao. Muỗi trưởng thành thường đa dạng trước giai đoạn gió mùa vào tháng 3 và tháng 4, loài này đốt cả gia súc và người. Đỉnh hoạt động được ghi nhận từ 23 giờ 30 phút đến 3 giờ sáng. Khu vực biên giới Myanmar-Bangladesh (bang Rakhine), 500 mẫu An. jeyporiensis được mổ để kiểm tra thì phát hiện 4 mẫu có tuyến nước bọt nhiễm thoa trùng (sporozoite-infected salivary glands) với tỷ lệ nhiễm là 0,8%. Khu vực biên giới Myanmar-Trung Quốc (bang Shan), 500 mẫu An. jeyporiensis được mổ kiểm tra thì phát hiện 6 mẫu nhiễm với tỷ lệ nhiễm KSTSR là 1.2% (6/500).

 

            An. maculatus s.l. đã được báo cáo là vector sốt rét chính, đặc biệt ở khu vực Tanintharyi và các nơi khác thì vector phụ phụ thuộc vào địa phương. Mật độ loài này cao nhất gần như ở tất cả các khu vực, nó xảy ra vào tháng 1 (mùa khô lạnh). Số lượng bắt đầu gia tăng vào cuối gió mùa tây nam vào đầu tháng 10 và tương đối hiếm trong thời gian hai mùa giò mùa hàng năm. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ ở khu vực Mandalay, nơi loài An. maculatus đã được ghi nhận với số lượng lớn vào tháng 9, vào cuối mùa mưa. Loại này không được ghi nhận ghi nghỉ trong nhà ban ngày, mặc dù nhiều nhà ở khu vực chân đồi bao bọc kín một nửa.

Tuy nhiên, vào thời điểm có mật độ cao, An. maculatus có thể thu thập ở chuồng gia súc. Thành viên các loài này đốt cả con người và động vật khác nhau, chủ yếu đốt đầu hôm bắt đầu lúc 18:00 giờ. Tỷ lệ dạ dạy nhiễm KSTSR là 0,5% (1/180). Anopheles maculatus chủ yếu được ghi nhận từ các chân đồi rừng, xung quanh các lán trong rừng sâu và trong vùng núi ở độ cao 1.200m so với mực nước biển và thường không được tìm thấy ở các vùng thấp xa các môi trường chân đồi.

Anopheles philippinensis là vector có tầm quan trọng thứ yếu gần biên giới Myanmar-Bangladesh. Loài này không được tìm thấy nghỉ ở các nhà và chuồng gia súc vào ban ngày và có lẽ chọn địa điểm tự nhiên ngoài trời. An. philippinensis chỉ được tìm thấy nghỉ trong nhà vào trong thời gian thu thập muỗi vào buổi sáng. An. philippinensis là một loài ưa đốt động vật (zoophilic) và chủ yếu là đốt gia súc. Tại các khu vực nơi mà gia súc vừa hiếm vừa không có mặt, thì loài này sẽ đốt người. Ở Làng Innwaing (Mawlamyine Township, bang Mon) và Patheingyi Township An. philippinensis đã được báo cáo với số lượng lớn trong những tháng sau gió mùa từ tháng 9 đến tháng 11 [136].

An. sundaicus s.l. là vector phụ được giới hạn ở vùng ven biển, nơi môi trường sống của ấu trùng chủ yếu nằm ở đầm phà có ánh nắng mặt trời, hồ chứa nước ngọt và nước lợ tự nhiên và các dòng suối, thường với thảm thực vật thủy sinh rậm rạp (tảo nổi) và các khu vực nước lợ. Sự phong phu theo mùa của An. sundaicus s.l. thường tăng giữa tháng 5 và tháng 7 và một lần nữa vào tháng 10 đến tháng 2. Loài này được ghi nhận số lượng trung bình từ nhà và chuồng gia súc từ thu thập ban ngày. Loài này đốt cả người và gia súc. Khu vực Chaungthar và Seikgyi ở vùng Ayeyarwady, An. sundaicus s.l. có tỷ lệ dạ dày nhiễm oocyst là 0.4% (lần lượt 1 mẫu nhiễm oocyst/220 mẫu và 1 mẫu dương tính/230). Dọc theo biên giới Myanmar-Bangladesh ở bang Rakhine, tổng cộng 202 mẫu muỗi đã được mổ thì tỷ lệ mẫu có tuyến nước bọt dương tính là 0,5% [136].

 

Chương trình phòng chống sốt rét quốc gia Myanmar nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Tổ chức Y tế thế giới về ngăn chặn sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sốt rét vào năm 2015 và đẩy lùi đáng kể tỷ lệ mắc bệnh sốt rét sau đó. Các phương pháp chính để kiểm soát vector sốt rét tại các vùng dịch tễ sốt rét của Myanmar dựa vào việc áp dụng phân phối màn ITN và quản lý ca bệnh [3].

Kiểm soát sinh học bằng cách sử dụng hai loài cá ăn thịt (ăn bọ gây/lăng quăng) là Poecilia reticulata Aplocheilus panchax cũng có hiệu quả trong môi trường thủy sinh nhất định. Hợp tác liên ngành với sự tham gia của cộng đồng và giáo dục sức khỏe cũng là một phần của phương pháp tổng hợp này để làm giảm lan truyền bệnh [131].

Mặc dù hóa chất diệt côn trùng là một thành phần quan trọng trong các hoạt động kiểm soát bệnh sốt rét ở Myanmar những hiện vẫn còn thiếu thông tin về tình hình kháng hóa chất diệt côn trùng ở các loài vector quan trọng [12]. Thông tin từ NMCP cho thấy, muỗi anopheline kháng thuốc diệt côn trùng có mặt tại bang Rakhine. Trong năm 2009, phát hiện cả An. annularis s.l và An. barbirostris kháng với DDT 4% và An. barbirostris cũng đã kháng với permethrin 0,25%, trong khi cả hai loài là nhạy vớimalathion 5% và deltamethrin 0,05% [132]. Mặc dù mối đe dọa bệnh sốt rét phải được nhắm đến mục tiêu ở cấp địa phương và khu vực, đặc biệt là ở các khu vực vẫn còn xung đột ở miền đông Myanmar, chính phủ chưa tiến hành các chương trình phòng chống sốt rét sâu rộng ở nhiều khu vực có nhu cầu [140].

 

Ảnh hưởng của thay đổi các điều kiện môi trường đến vector sốt rét và lan truyền bệnh

Kể từ khi Nay Pyi Taw là thủ đô hành chính mới của Myanmar được mở vào tháng 11 năm 2005 bao gồm di dời tất cả các bộ của chính phủ khoảng 320 km về phía bắc của Yangon. Thay đổi cơ sở hạ tầng lớn này đã có một tác động lớn đến các đặc điểm sử dụng đất trong khu vực với các tòa nhà mới một mạng lưới đào tạo kết nối, đường giao thông và các dự án khác [85]. Thay đổi sử dụng đất có thể tạo ra môi trường sống mới lý tưởng cho muỗi đẻ, việc mở rộng hoặc giảm phân bố vector và thay đổi thành phần của vector trong một khu vực [141]. An. dirus s.l. và An. minimus s.l. là các vector sốt rét chính ở các vùng đồi núi Myanmar.

Thiếu thông tin chính xác về tác động của thay đổi môi trường đến vector sốt rét ở Myanmar. Hiện nay chỉ có một số ấn phẩm mô tả [77],[142],[75] tác động của các dự án hạ tầng lớn (ví dụ như xây đập), phá rừng, thay thế thảm thực vật, tăng mật độ dân số và di chuyển của người dân, địa hình biến đổi và đặc điểm thủy văn có thể ảnh hưởng đến dịch tễ học bệnh sốt rét và nguy cơ lây truyền.

Myanmar là quốc gia mà tình hình sốt rét vẫn còn chưa được hiểu rõ và các chương trình kiểm soát hiểu quả vẫn còn thiếu ở nhiều khu vực trên pham vi cả nước. Thông tin hiện có liên quan đến sốt rét thường thiếu và các hoạt động nghiên cứu có giới hạn để đánh giá tốt hơn về dịch tễ học trên cả nước. Cả tài liệu được xuất bản và báo cáo chưa được công bố của Phòng Nghiên cứu Y khoa (Department of Medical Research_DMR) và Phòng Kiểm soát Bệnh vector truyền (Department of Vector Borne Disease Control -VBDC) được coi là không đủ để đưa ra các chiến lược giải quyết quản lý một chương trình kiểm soát bệnh sốt rét hiệu quả.

Thái Lan

Thái Lan là quốc gia có tổng diện tích lớn thứ 51 trên thế giới (513.120 km²), với tổng dân số gần 67 triệu người. Thái Lan có đường biên giới với nhiều quốc gia gồm Myanmar về phía tây và phía bắc, Lào ở phía bắc và phía đông, Campuchia ở phía đông và Malaysia ở phía nam. Khai thác đá quý, săn bắn, khai thác gỗ, nông nghiệp, xây dựng đường bộ và các hoạt động kinh tế khác dọc các khu vực biên giới Thái Lan thu hút nhiều lao động nhập cư từ các nước láng giềng. Sự di chuyển liên tục của các công nhân, nên nơi ở thường được xây dựng không kiên cố, tạm bợ làm cho dễ dàng lan truyền sốt rét qua lại biên giới và những nỗ lực hết sức để kiểm soát, do vậy sốt rét là một trong những bệnh do vector truyền nghiêm trọng nhất ở những khu vực này.

 

Mặc dù trong nhiều thập kỷ đã thành công trong việc giảm số ca mắc bệnh sốt rét trên phạm vi cả nước nhưng hiện nay, bệnh sốt rét vẫn là nguyên nhân chính gây ra nhiều ca mắc và tử vong. Khoảng 32 triệu người ở khu vực biên giới Thái Lan (50% dân số của Thái Lan) có nguy cơ mắc bệnh sốt rét. Tất cả bốn loại ký sinh trùng sốt rét đều có mặt trong đó phổ biến nhất là sốt rét do P. vivax chiếm 60% tổng số ca nhiễm được báo cáo trong năm 2011 [3].

Kể từ năm 1997, tỷ lệ nhiễm P. falciparum và nhiễm P. vivax đã được ghi nhận gần bằng nhau[70] (Hình 5). Những khu vực biên giới kém phát triển giữa Thái Lan và Đông Myanmar vẫn là khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất để tiếp tục xảy ra lan truyền bệnh[1],[2].

Công nhân không có miễn dịch là những người di chuyển qua biên giới quốc tế vẫn là những cộng đồng mẫn cảm nhất và dễ bị tổn thương. Sự di chuyển liên tục của nhóm dân cư này để khai thác đá quý, khai thác gỗ, nông nghiệp, xây dựng và các hoạt động khác, đã giúp gia tăng sự lan truyền ký sinh trùng P. falciparum đa kháng thuốc ở trong khu vực.

Sự bùng phát các đợt dịch sốt rét nghiêm trọng đã xảy ra ở các khu vực có nguy cơ cao dọc theo biên giới Thái Lan-Myanmar, đặc biệt ở tỉnh Kanchanaburi và tỉnh Tak [70],[143]. Trong bốn tỉnh miền nam Thái Lan, các trường hợp mắc bệnh sốt rét đã tăng lên gần 4.000 trường hợp mỗi năm tại vùng giáp biên giới Malaysia, nơi xung đột xã hội và sự nổi dậy địa phương phải nỗ lực kiểm soát rất phức tạp [70].

Đồng thời, sự gia tăng nhanh chóng các đồn điền cao su ở đông bắc Thái Lan đã trở thành một mối quan tâm chính vì những khả năng tái xuất hiện bệnh sốt rét [144]. Một số vector sốt rét chính, chủ yếu là Anopheles dirus s.l., An. maculatus s.l., và An. minimus s.l., có thể thích ứng và sử dụng các đồn điền cao su ở nơi môi trường sống điển hình như các môi trường đồi và rừng tự nhiên [4]. Chú ý và theo dõi cẩn thận sự thay đổi sử dụng đất cùng với những thay đổi thời tiết và môi trường khác là điều cần thiết giúp phòng chống hoặc trì hoãn việc tái xuất hiện bệnh sốt rét ở khu vực dễ xảy ra.

 
Hình 5. Xu hướng bệnh sốt rét ở Thái Lan giai đoạn từ 1971- 010.

Dựa vào các hoạt động giám sát sốt rét được ghi nhận ở Thái lan từ năm 1971-2011, đỉnh mắc sốt rét xảy ra vào năm 1981 với tổng số ca mắc là 473.210 ca mắc và sau đó số ca mắc đã giảm mặc dù có sự gia tăng số ca mắc vào năm 1988 (349,291 ca mắc).

Nhìn chung, từ năm 1988 – 2010, sốt rét đã giảm đáng kể [70],[143]. Mặc dù đạt được những thành tựu đáng kể trong kiểm soát sốt rét hơn 5 thập kỷ qua, nhưng số ca mắc sốt rét xảy ra hằng năm từ 25.000-35.000 ca mắc [70]. Số ca mắc sốt rét trong năm 2010 là 32,502 ca, giảm 61.2% so với năm 2000.

 

Tỷ lệ tử vong sốt rét cũng giảm đáng kể giảm từ 625 trường hợp tử vong trong năm 2000 xuống còn 80 ca tử vong trong năm 2010, giảm 87.2%. Sự suy giảm số ca mắc và tử vong là do thực hiện hiệu quả các biện pháp can thiệp gồm phun tồn lưu trong nhà và tẩm màn với hóa chất diệt côn trùng như là các biện pháp kiểm soát vector. Giảm sốt rét ở Thái Lan cũng là do các chương trình mở rộng và tiệp cận chẩn đoán và điều trị kịp thời ở những khu vực nông thôn cũng như chương trình giám sát bệnh đang hoạt động.

Vector sốt rét và sự đa dạng loài

Có khoảng 73 loài muỗi Anopheles spp. được ghi nhận ở Thái Lan. Các thành viên trong Nhóm Leucosphyrus, Nhóm Maculatus và Phức hợp loài Minimus được công nhận là những vector sốt rét quan trọng nhất ở Thái Lan [145],[146],[147],[148],[149].

Những kỹ thuật phân tử dựa trên phản ứng chuỗi polymerase (PCR) cho phép định loại chính xác các vector sốt rét quan trọng bao gồm loài anh chị [33,59]. Phức hợp loài Dirus, An. baimaiiAn. dirus được xem là vector sốt rét chính ở Thái Lan [149]. Cả hai đều là muỗi sống trong rừng và bìa rừng được xem là những loài ưa thích đốt người (anthropophilic) [150[,[112],[149]. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy một số lượng lớn đáng kể An. dirus An. baimaii thu thập từ các bẫy mồi gia súc so với thu thập bằng phương pháp mồi người, điều này chứng tỏ cả hai loài này cũng có thể có hành vi ưa đốt động vật [151].

Trong số các thành viên Nhóm Maculatus, 7 loài được báo cáo có mặt tại Thái Lan gồm An. maculatus, An. sawadwongporni, An. dravidicus, An. notanandai, An. willmori, An. pseudowillmori An. rampae [152],[153],[154],[155],[147],[149],[156]. Anopheles maculatus An. pseudowillmori lần lượt là những vector sốt rét quan trọng ở phía Nam và phía Tây Thái Lan [145],[147],[149]. Anopheles sawadwongporni là loài phổ biến nhất thường được tìm thấy có mật độ cao trên cả nước, đặc biệt dọc biên giới các tỉnh Myanmar and Malaysia [157]. Dựa vào hành vi đốt máu và tỷ lệ nhiễm tự nhiên được phát hiện ở loài này, An. sawadwongporni xuất hiện như là vector sốt rét ở Thái Lan [16],[158],[149]. Khả năng thay đổi hành vi và sở thích vật chủ toàn bộ phạm vi địa lý của các thành viên trong nhóm loài này đã được báo cáo [159],[153],[160].

            An. minimus cũng là một vector sốt rét quan trọng và đang lan rộng ra khắp Thái Lan [161]. Nó là loài anh/chị em, An. harrisoni (trước đây là An. minimus C) xuất hiện giới hạn chỉ ở hai huyện của tỉnh Kanchanaburi, phía Tây Thái Lan nơi nó cũng xuất hiện cùng với An. minimus [162]. Trước đây Anopheles harrisoni được thu thập từ Mae Sot tỉnh Tak và Mae Rim ở tỉnh Chiangmai, phía bắc Thái Lan, nhưng hiện nay xác định không rõ ràng [149].

Một số vector sốt rét phụ khác cũng có mặt ở Thái lan. Những loài muỗi này có thể có liên quan chặc chẽ với người và bao gồm An. barbirostris s.l. và An. epiroticus (Phức hợp loài - Sundaicus Complex) [163]. Trong phân nhóm An. barbirostris, An. campestris được xem là vector có khả năng truyền P. vivax ở Thái Lan [164]. Ngoài ra, dưới những điều kiện thích hợp An. karwari, An. philippinensis An. tessellatus cũng được xem là vector xốt rét tiềm năng ở Thái Lan. Gần đây, An. cracens (Phức hợp Dirus) và An.latens (Phức hợp Leucosphyrus) đã cho thấy vector tự lan lan truyền P. knowlesi ở phía Nam Thái Lan [165],[166],[163]. Danh sách các loài vector sốt rét và các vector tiềm năng ở Thái Lan được trình bày trong bảng 2.

Bảng 2. Các loài vector sốt rét đã biết và vector tiềm năng sốt rét ở Thái Lan.
 

Loài Anopheles

Vector

ở Thái Lan

Vector ở các quốc gia láng giềng

Vector truyền

P. knowlesi ở Thái Lan

Anopheles dirus

+

+

-

Anopheles baimaii

+

-

-

Anopheles cracens

-

-

+

Anopheles minimus

+

+

-

Anopheles maculatus

+

+

-

Anopheles pseudowillmori

+

-

-

Anopheles sawadwongporni

+

-

-

Anopheles epiroticus

+

+

-

Anopheles campestris

+

-

-

Anopheles latens

-

-

+

 +: vector sốt rét; -: không phải vector sốt rét

Tập tính muỗi sốt rét Anopheline

Những hiểu biết về tập tính của muỗi là hết sức quan trọng để hiểu dịch tễ học lan truyền bệnh và áp dụng hiệu quả các biện pháp kiểm soát vector. Hiểu rõ về sinh học muỗi, đặc biệt là tập tính đốt máu và ưa thích vật chủ để xác định loài trong nhóm loài hoặc phức hợp loài là cần thiết để giúp xác định vai trò từng loài cụ thể trong lan truyền bệnh ở những khu vực cụ thể và giúp các hoạt động phòng chống vector để thiết kế chiến lược thích hợp nhất nhằm giảm mật độ đốt. Nhiều quan sát chu kỳ đốt máu và ưa thích vật chủ của 3 phức hợp/nhóm, An. dirus, An. minimus, An. maculatus đã được thực hiện ở Thái Lan [167],[168],[169],[170],[171],[172].

Tuy nhiên, những nghiên cứu tập tính và sinh thái trước đây dựa vào các quần thể muỗi được định loài chỉ dựa vào các đặc tính hình thể ngoài. Ngoài ra, các nghiên cứu vector đã được xác định loài Anopheles trong các phức hợp loài ở Thái Lan [150],[173],[161],[149]. Phát triển cơ sở hạ tầng và phá rừng dọc các biên giới quốc gia với các nước khác trong hai thập kỷ qua là lý do suy giảm đáng kể tỷ lệ mắc sốt rét, nhưng nhiều vector sốt rét đã xuất hiện và thích nghi thành công với thay đổi môi trường. Sử dụng các phương pháp phân tử cho phép các nhà điều tra miêu tả tập tính đốt mồi của mỗi loài trong phức hợp loài.

Ví dụ, hoạt động đốt mồi khác nhau của An. minimus An. harrisoni được mô tả từ hai khu vực lưu hành sốt rét tỉnh Tak [143] và tỉnh Kanchanaburi [174]. Gần đây, hoạt động đốt mồi và ưa thích vật chủ của An. dirusAn. baimaii đã được mô tả ở tỉnh Kanchanaburi [151]. Điều tra rõ ràng hơn về sinh học, sinh thái học và tập tính đốt máu của các loài anh chị em ở cùng khu vực phân bố trong phức hợp có vai trò quan trọng trong y học, bây giờ có thể được tiến hành chính xác hơn.

Ảnh hưởng của thay đổi điều kiện môi trường đến vector sốt rét và lan truyền sốt rét

            Hầu hết các loài côn trùng nhìn chung rất nhạy với sự thay đổi các môi trường và thời tiết như nhiệt độ xung quanh, độ ẩm tương đối, tốc độ gió và lượng mưa. Môi trường tự nhiên áp đặt những hạn chế đáng kể về số lượng côn trùng [175],[176]. Trong số các loài côn trùng đốt máu sống trong rừng mà lan truyền bệnh sang người thì muỗi được tìm thấy là nhạy cảm với sự thay đổi môi trường/thời tiết [144].Tuổi thọ, mật độ quần thể và sinh thái sự phân bố của bất kỳ loài muỗi nào có thể ảnh hưởng đáng kể bởi những thay đổi nhỏ trong các điều kiện môi trường và có sẵn những vật chủ thích hợp, môi trường sống bọ gậy và vị trí nghỉ của muỗi trường thành. Thay đổi các điều kiện môi trường ảnh hưởng trực tiếp do sự thay đổi và gia tăng sử dụng đất, chẳng hạn như chuyển đổi ruộng lúa sang các đồn điền trồng cao su, khu vực rừng đến môi trường đô thị hoá. Các hoạt động của con người là mối quan tâm lớn trong việc thay đổi mô hình các bệnh do vector truyền. Ví dụ, năm 1988 dịch sốt rét bùng phát lớn dọc biên giới Thái Lan-Campuchia là do các cơ hội việc làm tạm thời từ hoạt động khai thác đá quý với gần 60.000 trường hợp mắc bệnh sốt rét được phát hiện trong nhóm dân cư này [4]. Tương tự như vậy, từ năm 1998 đến 2000 bùng phát dịch sốt rét xảy ra ở Làng Suan Ping, Tỉnh Ratchaburi, miền tây Thái Lan, trong một khu vực khai thác đá quý, nơi hầu hết lực lượng lao động được tuyển chọn từ Myanmar. Đợt bùng phát dịch này cho thấy rõ ràng rằng hoạt động con người gây ra và sự di dân có thể là một yếu tố quan trọng góp phần vào lan truyền bệnh.

            Trong ba thập kỷ qua, các đồn điền cao su đã được mở rộng ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á, kể cả Thái Lan. Mặc dù Thái Lan là nước sản xuất cao su tự nhiên lớn, nhưng các đồn điền cao su này nhìn chung giới hạn ở miền Nam Thái Lan. Gần đây, cây cao su được trồng ở phía đông và đông bắc Thái Lan. Các đồn điền cao su được đặt ở những khu vực đồi núi rừng cung cấp môi trường sống tiềm năng cho một số vector chính như An.dirus An. maculatus, đây là hai vector được tìm thấy phổ biến ở miền nam Thái Lan [161].

Việc mở rộng đồn điền cao su ở phía đồng bắc cũng đã được mở rộng nhiều cơ hội việc làm cho những công nhân nhập cư từ các quốc gia láng giềng thiếu nguồn lực lao động ở Thái Lan, hơn một triệu công nhân nhập cư được đăng ký từ các quốc gia láng giềng đã vào Thái Lan kể từ năm 2004 [144]. Điều này đã rõ ràng dẫn đến sốt rét di chuyển qua biên giới vào Thái Lan với tiềm năng tái xuất hiện lan truyền sốt rét ở những khu vực không có lan truyền sốt rét và sốt rét phục hồi và bùng phát ở những môi trường dễ bị nhiễm bệnh.

            Tóm lại, những nỗ lực đang được chỉ đạo để tăng cường các hoạt động kiểm soát bệnh sốt rét dọc biên giới quốc tế của Thái Lan. Vấn đề sốt rét biên giới do sự di chuyển của con người vào Thái Lan, cả hợp pháp và không hợp pháp, được biết là rất phức tạp để kiểm soát. Ngoài ra, thay đổi sử dụng đất có một ảnh hưởng lớn đến sự lan truyền bệnh do vector truyền.

 

Chú ý cẩn thận thay đổi sử dụng đất cùng với sự thay đổi khí hậu và môi trường là cần thiết để giúp dự báo và ngăn chặn sự tái xuất hiện bệnh sốt rét ở tất cả các khu vực của Thái Lan. Những nỗ lực hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia láng giềng với sốt rét xuyên biên giới đã được thực hiện để giảm thiểu lây truyền bệnh sốt rét liên tục cao trong những khu vực nhạy cảm này của Thái Lan

Kết luận

Trong nhiều năm tổ chức phòng chống và nghiên cứu sốt rét đã dẫn đến một số thành công đáng kể trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở các quốc gia nằm ở khu vực đất liền SEA. Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn là một nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng nông thôn và vùng xa gần khu vực rừng và bìa rừng nơi mà các điều kiện kinh tế xã hội còn thấp, các khu vực khó khăn để đến và các hoạt động hàng ngày của người dân luôn gắng bó chặt chẽ hoặc phụ thuộc vào rừng để mưa sinh.

Những thay đổi ấn tượng và gần đây hơn trong hệ sinh thái địa phương tạo ra bởi các dự án phát triển, trong khi mục tiêu nâng cao mức sống của người dân địa phương, có thể có những ảnh hưởng sâu sắc và tiêu cực đối với sức khỏe con người và các bệnh do vector truyền. Ở hầu hết các nước, phá rừng và tái trồng rừng là một trong những yếu tố mạnh nhất liên quan đến các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái xuất hiện. Ví dụ, các đồn điền cao su có tác dụng làm tăng mật độ của các vector sốt rét quan trọng ở Thái Lan [75]. Đông Nam Á có tỷ lệ phá rừng cao nhất so với bất kỳ khu vực nhiệt đới chính nào trên thế giới và có thể làm cạn kiệt ba phần tư diện tích rừng nguyên sinh vào năm 2100, loại bỏ lên đến 42% đa dạng sinh học hệ động vật và thực vật [19]. Hầu hết các vector sốt rét chính xảy ra ở phần đất liền Đông Nam Á có liên quan đến rừng, do đó chúng ta có thể dự đoán những thay đổi về sự phân bố và mật độ quần thể của vector sốt rét, một số có thể biến mất trong khi vector phụ hoặc tiềm năng biến đổi để thích nghi với môi trường sống thay đổi để trở thành vector sốt rét chính trong tương lai.

Hơn nữa, việc mở rộng khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, cùng với các hình thức khác của phát triển kinh tế có thể giúp cải thiện điều kiện sống, trong khi cùng với đó là thay đổi môi trường theo những cách mà có thể làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh sốt rét và các bệnh do vector truyền khác (ví dụ, sốt xuất huyết). Cùng với những thay đổi thói quen của con người, sự thích nghi của vector với môi trường thay đổi, bao gồm hành vi vector, có thể làm thay đổi sâu sắc động lực lan truyền bệnh sốt rét. Đây là một số thách thức được nêu ra bởi tất cả các nước để đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2015 (Lào), 2020 (Việt Nam), 2025 (Campuchia). Hiểu biết rõ hơn về các cơ chế liên kết phá rừng và các dự án phát triển với sinh thái muỗi anopheline và dịch tễ sốt rét và điều đó góp phần các đánh giá tác động sức khỏe trong tương lai, đây là những thách thức để nghiên cứu thêm. Kiểm soát vector sốt rét vẫn chủ yếu dựa vào việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng như phun tồn lưu trong nhà và tẩm màn ngủ bằng hóa chất và vẫn được coi là những biện pháp hiệu quả nhất để tấn công vector.

 

Tuy nhiên, tương đối ít công việc đã được thực hiện để khai thác hành vi vector như một phương tiện để kiểm soát lan truyền bệnh (ví dụ, sử dụng các chất kích thích không gian để tác động lan truyền ngoài nhà, tìm kiếm các chất diệt côn trùng có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ môi trường).

Với những thay đổi dự kiến ​​trong việc phân bố và dịch tễ học bệnh sốt rét, sẽ có một nhu cầu quan trọng để tiếp tục khám phá và phát triển các phương pháp can thiệp mới để bổ sung thêm cho chiến lược hiện có.

Tài liệu tham khảo

[1] World Health Organization. (2010). World malaria report. Nonserial Publication. World health Organization.pp.274. ISBN 13 9789241564403. Worldatlas.com http://www.worldatlas.com/ webimage/countrys/as.htm

[2] World Health Organization. (2011). World malaria report. Nonserial Publication. World Health Organization. pp.270. ISBN 9789241564403.http://www.int/malaria/ world_malaria_report_2011/9789241564403_eng.pdf.

[3] World Health Organization. (2012). World malaria report. Non serial Publication. World Health Organization. pp.260. ISBN ISBN 978 92 4 156453 3. http:// www.who.int/malaria/publications/world_malaria_report_2012/en/index.html

[4] Charoenviriyaphap, T.; Bangs, M.J. & Ratanatham, S. (2000). Status of malaria in Thailand. Southeast Asian Journal Tropical Medicine and Public Health, Vol. 31, pp. 225-237. ISSN: 0125-1562.

[12] Cui, L.; Yan, G., Sattabongkot,J., Cao, Y., Chen, B., Chen, X., Fan, Q., Fang, Q., Jongwutiwesi, S., Parker, D., Sirichaisinthop, J., Kyaw, M.P., Su, X.Z., Yang, H., Yang, Z., Wang, B., Xu, J., Zheng, B., Zhong, D. & Zhou, G. (2012). Malaria in the Greater Mekong Subregion: Heterogeneity and complexity. Acta Tropica, Vol. 212, pp. 227-239.ISSN:0001-706X.

[16] Somboon, P.; Aramrattana, A., Lines, J. & Webber, R., 1998. Entomological and epidemiological investigations of malaria transmission in relation to population movements in forest areas of north-west Thailand. Southeast Asian Journal of Tropical

Medicine and Public Health, Vol. 29 pp3-9.

[33] Manguin; S.; Garros, C., Dusfour, I., Harbach, R.E., & Coosmans, M. (2008 a). Bionomics, taxonomy, and distribution of the major malaria vector taxa of Anopheles

subgenus Cellia in Southeast Asia: an updated review. Infectious Genetic Evolution Vol. 8,pp.489-503.

[39] Harbach, R. E. (2011). Anopheles classification. Mosquito Taxonomic Inventory

(http://.mosquito-taxonomic-inventory.info/). accessed o­n 20 January 2013.

[44] Dusfour, I. ; Michaux, J. R., Harbach, R. E., Manguin, S. (2007). Speciation and phylogeography of the Southeast Asian Anopheles sundaicus complex. Infectious Genet Evol, Vol. 7, pp. 484-93.

[46] Dusfour, I.; Harbach, R.E. & Manguin, S. (2004). Bionomics and systematics of the oriental Anopheles sundaicus complex in relation to malaria transmission and vector control. Am J Trop Med Hyg. Vol. 71, pp. 518-524. ISSN: 0002-9637.

[47] World Health Organization. (2009). World malaria report. Nonserial Publication.

World Health Organization. pp.78. ISBN 9789241563901.http://whqlibdoc.who.int/ publications/2009/9789241563901_eng.PDF.

[59] Sinka, M. E.; Bangs, M. J., Manguin, S., Chareonviriyaphap, T., Patil, A. P., Temperley, W. H., Gething, P. W., Elyazar, I. R., Kabaria, C. W., Harbach, R. E. & Hay, S. I. (2011). The dominant Anopheles vectors of human malaria in the Asia-Pacific region: occurrence data, distribution maps and bionomic précis. Parasite & Vectors, Vol. 4, pp. 89.

[70] Ministry of Public Health [MOPH], (2011). Annual Malaria Reports. Malaria Division, Department of Communicable Disease Control. Ministry of Public Health, Thailand.

[75] Yasuoka, J.; & Levins, R. (2007). Impact of deforestation and agricultural development o­n anopheline ecology and malaria epidemiology. American Journal of Tropical Medicine and Hygiene. Vol. 70, No. 3, pp. 450-460. ISSN 0002-9637.

[77] Patz, J.A.; Graczyk, T.K., Geller, N. & Vittor, A.Y. (2000). Effects of environmental change o­n emerging parasiticdiseases. International Journal for Parasitology, Vol. 30, pp.1395-1405.

[85] World Health Organization. (2008). WHO Mekong Malaria programme, Malaria in the Greater Mekong Subregion: Regional and Country Profiles. World Health Organization, New Delhi, pp. 55, ISBN: 978-92-9022-373-1.

[93] Department of Statistics, Malaysia. (2010). Population distribution and basic demographic characteristics. 2010. pp. 5.

[94] Ministry of Health (MOH). (2001). Vector-borne Disease Control Programme. Kuala Lumpur: Ministry of Health Malaysia,: pp. 18.

[95] Ali, W.N.; Ahmad, R., Nor, Z.M., Ismail, Z. &Lim, L.H. (2011). Population dynamics of adult mosquitoes (Diptera: Culicidae) in malaria endemic villages of Kuala Lipis, Pahang, Malaysia. Southeast Asian J Trop Med Public Health. Vol. 42, pp. 259-67.

[96] Rahman, W.A.; Adanan, C.R. & Abu Hassan, A. (1997). Malaria and Anopheles mosquitoes in Malaysia. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 42, pp. 559-605.

[97] Asian Collaborative Training Network for Malaria (ACTMalaria). Country updates Malaysia. Executive Board Meeting 15 –17 March 2010 Luang Prabang, Lao PDR. http://www.actmalaria.net/home/epidemiological_profile.php#base.

[98] Jayakumar, G. (2006). Pre-employment medical examination of migrant workers—The ethical and illegal issues. Med J Malaysia, Vol.61, pp. 516-518. ISSN: 0300-5283.

[99] Vijayakumari, K. (2006). Towards an East Asian cooperation framework for migrant labor. Migrant workers in Malaysia: An Overview. http://www.isis.org.my/files/pubs/papers/VK.

[100] White, N. J. (2008). Plasmodium knowlesi: the fifth human malaria parasite. Clinical Infectious Diseases, Vol. 46, No. 2, pp. 172–173.

[101] Vythilingam, I.; Tan, C.H., Asmad,M., Chan, S.T.,Lee,K.S. & Singh, B.( 2006b). Natural transmission of Plasmodium knowlesi to humans by Anopheles latens in Sarawak, Malaysia. Transaction Royal Society of Tropical Medicine and Hygiene, Vol. 100, pp. 1087–1088.

[102] Vythilingam, I.; Noorazian, Y.M., Huat, T.C., Jiram, A.I., Yusri, Y.M., Azahari, A.H., Norparina, I., Noorrain, A. & Lokmanhakim, S. (2008). Plasmodium knowlesi in hu, macaques and mosquitoes in peninsular Malaysia. Parasite & Vectors, Vol. 1, pp.26.

[103] Vythilingam, I. (2012). Plasmodium knowlesi and Wuchereria bancrofti: Their Vectors and Challenges for the Future. In Frontiers in Physiology. Vol.3, pp. 115.

[104] Becker, N.; Petric, D., Zgomba, M., Boase, C., Madon, M., Dahl, C. & Kaiser, A. (2010). Mosquitoes and their control. Springer, London. ISBN-13: 9783540928737.

[105] Seleena, P.; Lee, H.L., Chooi, K.H. & Junaidih, S. (2004). Space spraying of bacterial and chemical insecticidesagainst Anopheles balabacensis Baisas for the control of malaria in Sabah, East Malaysia. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health. Vol. 35, No. 1, pp. 68-78.

[106] Reid, J.A. (1968). Anopheline mosquitoes of Malaya and Borneo. Stud Inst Med Res Malaysia. Vol 31, pp 520.

[107] Baimai, V.; Kijchalao, U., Rattanarithikul, R. & Green, C.A. (1993). Metaphase karyotypes of Anopheles of Thailand and Southeast Asia. II. Maculatus Group, Neocellia Series, subgenus Cellia. Mosq. Syst. 25, 116–123. ISSN: 0091-3669.

[108] Vythilingam, I.; Foo, L.C., Chiang, G.L., Inder, S. & Loong, K.P. (1995). The impact of permethrin impregnated bednet o­n the malaria vector Anopheles maculatus (Diptera: Culicidae) in aboriginal villages of Pos Betau Pahang, Malaysia. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 26, pp. 354-7.

[109] Rohani.A.; Wan Najdah, W.M., Zamree, I., Azahari, A.H., Mohd Noor, I., Rahimi, H. & Lee, H.L. (2010).Habitat characterization and mapping of Anopheles maculatus (Theobald) mosquito larvae in malaria endemic areas in Kuala Lipis, Pahang, Malaysia. Southeast Asian Journal of TropicalMedicine andPublic Health. Vol.41, pp. 821-30.

[110] Miyagi, I. & Toma, T. (2000).The mosquitos of Southeast Asia. In: Ng FSP, Yong HS, eds. Mosquitoes and mosquito-borne diseases. Kuala Lumpur: Academy of Sciences. pp. 1-43.

[111] Chooi, C.K. (1985). Status of malaria vectors in Malaysia. Southeast Asian J Trop Med Public Healt.Vol. 16, No.2, pp.133-8.

[112] Baimai, V.; Kijehalao, U., Sawadwongporn, P. & Green, C. A. (1988). Geographic distribution and biting behaviour of four species of the Anopheles dirus complex (Diptera: Culicidae) in Thailand. Southeast Asian. J. Trop. Med. Public Health. Vol. 19, pp. 151–161.

[113] Oo, T.T.; Storch, V. & Becker, N. (2002). Studies o­n the bionomics of Anopheles dirus (Culicidae: Diptera) in Mudon, Mon State, Myanmar. Journal of Vector Ecology. Vol. 27, pp. 44–54. ISSN: 1081-1710.

[114] Prakash, A.; Bhattacharyya, D.R. Mohapatra, P.K., & Mahanta, J. (2002). Physicochemical characteristics of breeding habitats of Anopheles dirus (Diptera: Culicidae) in Assam, India. Journal Environ. Biol. Vol. 23, pp. 95–100.

[115] Chang, M.S.; Hii, J., Buttner, P. & Mansoor, F. (1997). Changes in abundance and behaviour of vector mosquitoes induced by land use during the development of an oil palm plantation in Sarawak. Transactions of the Royal Society of Tropical Medicine and Hygiene. Vol. 91, pp. 382-386.

[116] Manguin, S.; Bangs, M.J., Pothikasikorn, J. & Chareonviriyaphap, T. (2010). Review o­n global cotransmission of human Plasmodium species and Wuchereria bancrofti by Anopheles mosquitoes. Infect. Genet. Evol. Vol.10, pp. 159–177.

[117] Linton, Y.M.; Dusfour, I, Howard, T.M., Ruiz, L., Nguyen, D.M., Trung, H.D., Sochantha, T., Coosemans, M., & Harbach, R.E. (2005). Anopheles (Cellia) epiroticus (Diptera: Culicidae), a new malaria vector species in the Southeast Asian Sundaicus Complex. Bulletin of Entomological Research. Vol 95, pp. 329-339

[118] Meek, S.R. (1995). Vector control in some countries of Southeast Asia: comparing the vectors and the strategies. Ann Trop Med Parasitol. Vol.89, pp. 135-147. ISSN: 0003-4983.

[119] Vythilingam, I.; Chan, S.T., Shanmugratnam, C., Tanrang, H. & Chooi, K.H. (2005a). The impact ofdevelopment and malaria control activities o­n its vectors in the Kinabatangan area of Sabah, East Malaysia. Acta Tropica. Vol.96, pp. 24-30.

[120] Hii, J.L.K. & Vun, Y.S. (1985). A study of dispersal, survival and adult population estimates of malaria vector, Anopheles balabacensis Baisas (Diptera: Culicidae) in Sabah, Malaysia. Trop Biomed. Vol. 2, pp. 121-131.

[121] Hii, J.L.K.; Kan, S., Foh. C.K. & Chan, M.K. (1984). Anopheles (Cellia) balabacensis Baisas is a vector of Wuchereria bancrofti in Sabah, Malaysia. Transaction Royal Society of Tropical Medicine and Hygene. Vol. 78, pp. 281-282. ISSN: 0035-9203.

[122] Chen, B.; Butlin, R.K. & Harbach, R.E. (2003). Molecular phylogenetics of the Oriental members of the Myzomyia Series of Anopheles subgenus Cellia (Diptera: Culicidae) inferred from nuclear and mitochondrial DNA sequences. Syst Entomol. Vol. 28, pp. 57-69.

[123] Wooster, M.T. & Rivera, D (1985). : Breeding point and larval association of anopheline mosquitoes of northwest Mindoro, Philippines. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health. Vol. 16, pp. 59-65.

[124] Colless, D.H. (1956).The Anopheles leucosphyrus group. Trans R Entomol Soc Lond, Vol. 108, pp. 37-116.

[125] De Las Llagas, L. A. (1985). Impact of ecological changes o­n Anopheles vectors of malaria in some countries of Southeast Asia. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 16, pp. 146-148. ISSN: 0125-1562.

[126] Cheong, W.H. (1983). Vectors of filariasis in Malaysia. Mak JW, ed. Filariasis. Kuala Lumpur: Institute for Medical Research. Bulletin No.19, pp. 37–44.

[127] Kritsiriwuthinan, K. & Ngrenngarmlert, W. (2011). Asymptomatic malaria infections among foreign migrant workers in Thailand. Asian Pacific Journal of Tropical Medicine, Vol. 560, pp. 560-563, ISSN: 1995-7645.

[128] Kumar, A.; Chery, L., Biswas,C., Dubhashi, N., Dutta, P., Duaf, V. K., Kacchap, M., Kakati,S., Khandeparkar, A., Kour, D., Mahajan, S.N., Maji, A., Majumder, P., Mohanta, J., Mohapatra, P. K., Narayanasamy, K., Roy, K., Shastri, J., Valecha, N., Vikash, R., Wani, R., White, J. & Rathod, P. K. (2012). Malaria in South Asia: Prevalence and control. Acta Tropica, Vol.121, pp. 246– 255.ISSN 0001-706X.

[129] Moon, S.U.; Lee, H.W., Kima, J.Y., Na, B.K., Cho, S. H., Lin, K., Sohn, W. M. & Kim, T. S. (2009). High frequency of genetic diversity of Plasmodium vivax field isolates in Myanmar. Acta Tropica, Vol. 109. pp. 30-36. ISSN: 0001-706X.

[130] World Health Organization. (2005). Overview of malaria control activities and programme progress: Country profile Myanmar. World Health Organization, Geneva, pp. 1-5,

[131] National Malaria Control Programe. (2010). Malaria situation in Myanmar. Myanmar, Yangon, (unpublished).

[132] Ministry of Health. (2010). Myanmar health statistics. Department of Health Planning, Ministry of Health. Yagon. pp.72.

[133] Sermwittayawong, N.; Singh, B., Nishibuchi, M., Sawangjaroen, N. & Vuddhakul. V. (2012). Human Plasmodium knowlesi infection in Ranong province, southwestern border of Thailand. Malaria Journal, Vol. 11, pp. 11-36. ISSN: 1475-2875.

[134] Than, M.; Kyaw M.P., Soe A.Y, Gyi K.K., Sabai M.& Oo M. (1995). Development of resistance to Chloroquin by Plasmodium vivax in Myanmar. Transactions of the Royal Society of Tropical Medicine and Hygiene, Vol 89. pp. 307-308.

[135] World Health Organization/ Roll Back Malaria. (2001). The use of antimalaria drugs: Report of an Informal Consultation. World Health Organization, Geneva, pp. 1-114.

[136] Oo, T.T.; Storch, V. & Becker, N. (2004). Review of the anopheline mosquitoes of Myanmar. Journal of Vector Ecology. Vol. 29, pp21-40, ISSN: 1081-1710.

[137] Paing, M.; A.A. Sebastain, and T. Lin. (1988). Behavior of Anopheles minimus in relationship to its role as vector of malaria in a forested foothill area of Burma. Tropical Biomedicine, Vol. 5, pp. 161-166.

[138] Paing, M. (1989). Anopheline mosquitoes of Myanmar II. Anopheles minimus Theobald, 1901. Myanmar Health Science Res. Journal. Vol. 1, pp. 130-134.

[139] Oo, T.T. (2003). The biology and vector competence of the Anopheline mosquitoes of Myanmar with special consideration of Anopeles dirus. Doctoral Dissertation, the Ruperto-Carola University of Heidelberg, Germany, pp 286.

[140] Lee, C.I.; Smith, L.S., Shwe Oo,E.K., Scharschmidt, B.C., Whichard, E., Thart Kler, T., Lee, J. & Richards, A.K. (2008). Internally displaced human resources for health: villager health worker partnerships to scale up a malaria control programme in active conflict areas of eastern Burma. Global Public Health, Vol.0. No.0. pp. 1-13. ISSN: 1744-1692.

[141] Patz, J. A.; & Norris, D. E. (2004). Land use change and human health. In: De Fries, R., Asner, G., & Houghton, R., editors, Ecosystems and land use change, Vol. 153, pp. 344. American Geophysical Monograph Series.

[142] Keiser, J.; Utzinger, J., & Tanner, M. (2005). The effect of irrigation and large dams o­n the burden of malaria o­n global and regional scale. American Journal of Tropical Medicine and Hygiene, Vol. 72, No. 4, pp. 392-406.

[143] Tisgratog, R.; Tananchai, C., Juntarajumnong, W., Tuntakom, S., Bangs, M.J., Corbel, V., & Chareonviriyaphap, T. (2012). Host feeding patterns and preference of Anopheles minimus (Diptera: Culicidae) in a malaria endemic area of western Thailand: baseline site description. Parasite & Vectors, Vol. 5, pp. 114.

[144] Petney, T., Sithithaworn, P., Satrawaha, R., Warr, C.G., Andrews, R., Wang, Y.C., Feng, C. (2009). Potential malaria reemergence, northeastern Thailand. Emerg Infect Dis, 15: 1330–1331.

[145] Green C.A. : Gass, R.F, Munstermann L.E. & Baimai V. (1990). Population-genetic evidence for two species in Anopheles minimus in Thailand. Med Vet Entomol.;4(1): 25-34.

[146] Gould, D.J. ; Esah, S. & Pranith, U. (1967). Pelation of Anopheles aconitus to malaria transmission in the central plain of Thailand. Transaction Royal Society of Tropical Medicine Hygiene, Vol. 31, pp. 441-442.

[147] Green, C.A. ; Rattanarithikul, R., Pongparit, S., Sawadwongporn, P.& Baimai, V. (1991). A newly recognized vector of human malaria parasites in the Oriental region, Anopheles (Cellia) pseudowillmori (Theobald, 1910). Transaction Royal Society of Tropical Medicine Hygiene, Vol. 85:, pp. 35-6.

[148] Maheswary, N.P.; Khan, Z., Molla, F.R., & Haq, M.I. (1993). Incrimination of Anopheles annularis van der Wulp1854 [sic] as an epidemic malaria vector in Bangladesh. Southeast Asian J Trop Med Public Health,Vol. 24, pp.776-778.

[149] Rattanarithikul, R., Harrison, B.A., Harbach, R.E., Panthusiri, P., Coleman, R.E. (2006). Illustrated keys to the mosquitoes of Thailand IV. Anopheles. Southeast AsianJournal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 37, pp. 1–128.

[150] Baimai, V.; Andre, R.G., Harrison, B.A., Kijehalao, U. & Panthusiri, L. (1984). Crossing and chromosomal evidence for two additional species within the taxon Anopheles dirus Peyton and Harrison (Diptera: Culicidae) in Thailand. Proc Entomol Soc Wash, 89: 157-66.

[151] Tananchai, C.; Tisgratog, R., Juntarajumnong, W., Grieco, J.P., Manguin, S., Prabaripai, A., & Charonviriyaphap, T. (2012). Species diversity and biting activity of Anopheles dirus and Anopheles baimaii (Diptera: Culicidae) in a malaria prone area of western Thailand. Parasite & Vectors. 5, pp. 211.

[152] Green, C.A. ; Baimai, V., Harrison, B.A. & Andre, R.G. (1985). Cytogenetic evidence for a complex of species within the taxon Anopheles maculatus (Diptera: Culicidae). Biol J Linn Soc, Vol. 24, pp. 321-28.

[153] Rattanarithikul, R., Green, C.A. (1986). Formal recognition of the species of the Anopheles maculatus Group (Diptera: Culicidae) occuring in Thailand, including descriptions of two new species and a preliminary key to females. Mosquito Systematic, Vol., 18, pp. 246-78.

[154] Rattanarithikul, R., Harbach, R.E. (1990). Anopheles maculatus (Diptera: Culicidae) from the type locality of Hong Kong and two new species of the Maculatus Complex

from the Philippines. Mosquito Systematics, Vol., 22, pp. 160-83.

[155] Kittayapong, P. ; Clark, J.M., Edman, J.D., Potter, T.L., Lavine, B.K., & Brooks, M. (1990). Cuticular hydrocarbon differences between the malaria vector and non-vector forms of the Anopheles maculatus complex. Med Vet Entomol, 4: 405- 3.

[156] Somboon P.; Thongwat, D., Morgan, K. & Walton, C. (2008). Crossing experiment of Anopheles maculatus form K and Anopheles willmori (James) (Diptera: Culicidae). Parasitol Research. Vol. 103(6), pp.1317-22.

[157] Ministry of Public Health [MOPH], (2005). Annual Malaria Reports. Malaria Division, Department of Communicable Disease Control. Ministry of Public Health, Thailand.

[158] Coleman, R.E.; Sithiprasasna, R., Kankaew, P., Kiaattiu,t C., Ratanawong, S., Khuntirat, B. & Sattabongkot, J. (2002). Naturally occurring mixed infection of Plasmodium vivax VK210 and P. vivax VK247 in Anopheles minimus and An. maculatus (Diptera: Culicidae) in western Thailand. J Med Entomol, 39: 556-559.

[159] Upatham, E.S.; Prasittisuk, C., Ratanatham, S., Green, C.A., Rojanasunan, W., Setakana, P., Theerasilp, N.,Tremongkol, A., Viyanant, V., Pantuwatana, S., & Andre, R.G. (1988). Bionomics of Anopheles maculatus complex and their role in malaria transmission in Thailand. Southeast Asian Journal Tropical Medicine and Public Health, Vol. 19, pp. 259-269.

[160] Muenworn, V.; Sungvornyothin, S., Kongmee, K., Polsomboon, S., Bangs, M.J., Akrathanakul, P., Tanasinchayakul, S., Prabaripai, A., & Chareonviriyaphap, T. (2008). Biting activity and host preference of the malaria vectors Anopheles maculatus and Vector Biology and Malaria Transmission in Southeast Asia Anopheles sawadwongporni (Diptera: Culicidae) in Thailand. Journal of Vector Ecology, Vol. 34, pp. 62-69.

[161] Baimai, V. (1989). Speciation and species complexes of the Anopheles malaria vectors in Thailand. In: Proceedings of the 3rd Conference o­n Malaria Research, Thailand. pp. 146-62.

[162] Kengluecha, A.; Rongnoparut, P., Boonsuepsakul, S., Sithiprasasna, R., Rodpradit, P., & Baimai, V. (2005). Geographical distribution of Anopheles minimus species A and C in western Thailand. Journal of Vector Ecology, Vol., 30, pp. 225-230.

[163] Saeung,T. (2012). Anopheles (Diptera: Culicidae) species complex in Thailand: identification, distribution, bionomics and malaria-vector importance. International Journal of Parasitology Research. Vol. 4, No.1, pp, 75- 82.ISSN: 09753702 & E-ISSN: 0975-9182,

[164] Thongsahuan S.; Baimai, V., Junkum, A., Saeung, A., Min, G.S., Joshi, D., Park, M.H., Somboon, P., Suwonkerd, W., Tippawangkosol, P., Jariyapan, N. & Choochote, W. (2011). Susceptibility of Anopheles campestris-like and Anopheles barbirostris species complexes to Plasmodium falciparum and Plasmodium vivax in Thailand. Mem Inst Oswaldo Cruz. Vol. 106, No.1, pp. 105-12.

[165] Jongwutiwes, S.; Buppan, P., Kosuvin, R., Seethamchai, S., Pattanawong, U., Sirichaisinthop J. & Putaporntip C. (2011). Plasmodium knowlesi malaria in humans and macaques, Thailand. Emerg. Infectious Disease., Vol. 17, pp. 1799-1806.

[166] Putaporntip, C.; Hongsrimuang, T., Seethamchai, S., Kobasa, T., Limkittikul, K., Cui, L., Jongwutiwes, S. (2009). Differential prevalence of Plasmodium infections and cryptic Plasmodium knowlesi malaria in humans in Thailand. Journal of Infectious Disease, Vol. 199, pp. 1143–1150.

[167] Ismail, I.H.A.; Notananda, V., and Schepens, J. (1974). Studies o­n malaria and response of Anopheles balabacensis balabacensis and Anopheles minimus to DDT residual spraying in Thailand. Part 1; pre- spraying observations. Acta Tropica, Vol. 31, pp. 129-164.

[168] Harbach, R.E. ; Gingrich, J.B., & Pang, L.W. (1987). Some entomological observations o­n malaria transmission in a remote village in northwestern Thailand. J Am Mosq Control Assoc, 3: 296-301.

[169] Ratanatham, S., Upatham, E.S., Prasittisuk, C., Rojanasunan, W., Theerasilp, N., Tremongkol, A., Viyanant, V. (1998). Bionomics of Anopheles minimus and its role in malaria transmission in Thailand. Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 19, pp.283–289.

[170] Rattanarithikul, R.; Linthicum, K.J., Konish, E. (1996). Seasonal abundance and parity rates of Anopheles species in southern Thailand. Journal of American Mosquito Control Association, Vol. 12, pp.75–83.

[171] Rwegoshora, R.T.; Sharpe, R.G., Baisley, K.J., Kittayapong, P. (2002). Biting behavior and seasonal variation in the abundance of Anopheles minimus species A and C in Southeast Asian Journal of Tropical Medicine and Public Health, Vol. 33, pp. 694–701.

[172] Chareonviriyaphap, T.; Prabaripai, A., Bangs, M.J. & Aum-Aung, B. (2003). Seasonal abundance and blood feeding activity of Anopheles minimus Theobald (Diptera: Culicidae) in Thailand. J Med Entomol, 40: 876–881.

[173] Baimai, V.; Kijehalao, U., Sawadwongporn, P. & Green, C. A. (1988). Geographic distribution and biting behaviour of four species of the Anopheles dirus complex (Diptera: Culicidae) in Thailand. Southeast Asian. J. Trop. Med. Public Health. Vol. 19, pp. 151–161.

[174] Sungvornyothin, S.; Muenvorn, V., Garros, C., Prabaripai, A., Bangs, M.J., Manguin, S., & Chareonviriyaphap, T. (2006). Trophic behavior and biting activity of the two sibling species of the Anopheles minimus complex in western Thailand. Journal of Vector Ecology, Vol. 31, pp.252–261.

[175] Patz, J.A., Martens, W.J., Focks. D.A. & Jetten, TH. (1998). Dengue fever epidemic potential as projected by general circulation models of global climate change. Environ Health Perspect. Mar Vol 106 No. 3, pp.147-53.

[176] Suwannachote, N.; Grieco, J.P., Achee, N.L., Suwonkerd, W., Wongtong, S., & Chareonviriyaphap, T. (2009). Effects of environmental conditions o­n the movement patterns of Aedes aegypti (Diptera: Culicidae) into and out of experimental huts in Thailand. Journal of Vector Ecology, Vol. 34, No.2, pp. 267-275. 

 

Ngày 11/06/2015
TS.BS. Huỳnh Hồng Quang,
TS. Nguyễn Xuân Quang và ThS. Đỗ Văn Nguyên
 

THÔNG BÁO

   Dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn khám bệnh tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7 và chủ nhật)

   THÔNG BÁO: Phòng khám chuyên khoa Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn xin trân trọng thông báo thời gian mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 20/10/2021.


 LOẠI HÌNH DỊCH VỤ
 CHUYÊN ĐỀ
 PHẦN MỀM LIÊN KẾT
 CÁC VẤN ĐỀ QUAN TÂM
 QUẢNG CÁO

Trang tin điện tử Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Giấy phép thiết lập số 53/GP - BC do Bộ văn hóa thông tin cấp ngày 24/4/2005
Địa chỉ: Khu vực 8-Phường Nhơn Phú-Thành phố Quy Nhơn-Tỉnh Bình Định.
Tel: (84) 0256.3846.892 - Fax: (84) 0256.3647464
Email: impequynhon.org.vn@gmail.com
Trưởng Ban biên tập: TTND.PGS.TS. Hồ Văn Hoàng-Viện trưởng
Phó Trưởng ban biên tập: TS.BS.Huỳnh Hồng Quang-Phó Viện trưởng
• Thiết kế bởi công ty cổ phần phần mềm: Quảng Ích