Làm thế nào tránh các nguy hại cho nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng: Các quan điểm nghiên cứu tại Mỹ
Báo cáo Belmont nhấn mạnh đến quyền tự quyết của cá nhân nhưng cũng công nhận sẽ không công bằng hoặc hợp công lý nếu chỉ tuyển chọn các đối tượng nghiên cứu từ những nhóm người dễ tiếp cận, dễ bị thao túng hoặc dễ bị tổn thương. Các quy định của liên bang cũng đòi hỏi sự công bằng trong việc chọn các đối tượng nghiên cứu con người và xác định cụ thể một số nhóm người dễ bị tổn thương (tù nhân, phụ nữ mang thai, thai nhi, trẻ em, người bị thiểu năng trí tuệ và những người bị thua thiệt về giáo dục hoặc kinh tế). Tuy nhiên, không phải chỉ có các nhóm này mới có thể bị nguy hại. Trong một số trường hợp, khi cuộc nghiên cứu liên quan đến các nhóm người dễ bị tổn thương, thì không nhất thiết các nguy hại chỉ ảnh hưởng đến các đối tượng cá nhân mà có thể ảnh hưởng cho cả nhóm - bao gồm những người đã chưa hề tham gia trong cuộc nghiên cứu. Cho dù báo cáo Belmont cũng như các quy định của Liên bang không đề cập đến rủi ro này một cách cụ thể, chúng tôi tin rằng đây là một vấn đề quan trọng cần được xét đến. Nếu không xét đến vấn đề này trước khi tiến hành cuộc nghiên cứu thì có thể đưa đến các hậu quả bất lợi như: thứ nhất, cả một nhóm người lớn hoặc cộng đồng có thể gặp nguy hại thực sự và không thể phục hồi được; và thứ hai, các thành viên trong nhóm có thể từ chối tham gia trong các nghiên cứu có giá trị và hữu ích trong tương lai. Mục đích của môn học này là để cung cấp các thí dụ về những tình huống theo đó cuộc nghiên cứu có thể có các hậu quả ngoài mong muốn làm hại đến những nhóm người, và mô tả một số bước mà các nhà nghiên cứu có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro gây nguy hại đó. Kết thúc modul này, bạn sẽ có thể: (i) Mô tả một số nhóm hoặc cộng đồng riêng biệt dễ bị tổn thương; (ii) Xác định các nghiên cứu điển hình đã làm hại các nhóm người; (iii) Nhận ra các sách lược mà nhà nghiên cứu có thể dùng để giảm thiểu rủi ro gây nguy hại cho nhóm. "Các nhóm" có nghĩa là gì?Các nhà nghiên cứu dùng những từ ngữ "nhóm người," "các nhóm" và "các cộng đồng" với nhiều ý nghĩa khác nhau. Đôi khi họ muốn nói về những người là thành viên trong những nhóm sắc tộc hoặc chủng tộc (như người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha hoặc Bantu), các nhóm tôn giáo (Đạo hồi, Đạo Lão, hoặc Cơ Đốc giáo khoa học). Người ta có thể thuộc các nhóm được chia theo vị trí địa lý (người New York, người Paris, hoặc người Paraguay), hoặc theo nghề nghiệp (những người làm nông, bác sĩ, hoặc giáo viên). Các nhóm khác có thể được xác định theo tình trạng thể chất (béo phì, thị lực kém, hoặc bị tiểu đường), hoặc theo hành vi (đàn ông đồng tính luyên ái hoặc người có sở thích điều khiển radio nghiệp dư). Mỗi cá nhân riêng biệt thường thuộc về nhiều nhóm trùng lặp này. Người ta có thể tự cho rằng mình là thành viên trong một nhóm nào đó, hoặc có thể bị người khác coi họ như là thành viên trong nhóm đó. "Sự nguy hại" có nghĩa là gì?Vì vị thế đặc biệt của họ trong xã hội, một số nhóm có thể có nhiều rủi ro bị nguy hại hơn khi các cá nhân trong nhóm tham dự cuộc nghiên cứu, bao gồm những nhóm người: ·Đã từng bị hoặc tiếp tục bị kỳ thị (như người Mỹ gốc Phi, Thổ dân châu Mỹ và thổ dân Alaska); ·Ít được tiếp cận với nền giáo dục, các dịch vụ xã hội và y tế (như các nhóm dân nghèo, không được phục vụ đúng mức); ·Có thể mang tiếng xấu về hành vi hoặc chính trị (như những người bán dâm, người chích ma tuý, hoặc người theo tà đạo). Tình trạng nguy hại theo nhóm xảy ra khi đa số hoặc tất cả các thành viên trong nhóm đều bị nguy hại, gồm cả những người đã không chấp thuận làm đối tượng nghiên cứu. Các nguy hại có thể xảy ra khi công bố kết quả nghiên cứu bao gồm: ·Kinh tế: cả nhóm bị mất BHYT, không được tiếp cận với các dịch vụ kinh tế, việc làm; ·Chính trị: cả nhóm bị tước quyền bầu cử; ·Xã hội: cả nhóm bị mang tiếng xấu hoặc kỳ thị trong các lĩnh vực xã hội; ·Giáo dục: cả nhóm có thể bị coi là thiếu khả năng học tập, không xứng đáng được giáo dục; ·Thuyết di truyền định mệnh: cả nhóm bị cho là có một số đặc điểm/ quan hệ di truyền nhất định; ·Văn hoá: các tiêu chuẩn và giá trị của nhóm bị vi phạm. Mỗi một trong các nguy hại này cũng có thể dẫn đến các cảm xúc tiêu cực (như gây tổn hại đến nhận thức về giá trị bản thân, trầm cảm, và mất phẩm giá) trong số các thành viên trong nhóm không tham gia cuộc nghiên cứu. Một số những nguy hại này, đặc biệt là nguy hại về mặt xã hội, tâm lý, và chính trị, có thể khó tiên đoán, khó đo lường, và khó sửa chữa được. Tuy nhiên, chính vì thế chúng tôi tin rằng việc các nhà nghiên chú ý đến khả năng gây ra những nguy hại này còn quan trọng hơn nữa. Thí dụ về các cuộc nghiên cứu đã gây nguy hại cho các nhóm trước đâyMặc dù một số nghiên cứu gây nguy hại cho nhóm do có thiết kế kém, ngay cả các cuộc nghiên cứu được thiết kế tốt cũng có thể gây ra các hậu quả ngoài mong muốn cho thành viên trong những nhóm cụ thể mà đáng lẽ có thể tránh được. Sau đây là các thí dụ về những cuộc nghiên cứu có ảnh hưởng tiêu cực đối với các nhóm người không nhất thiết là đối tượng trong nghiên cứu. ·Việc công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu được tiến hành ở các gia đình người Do thái Ashkenazi đã góp phần gây ra một thành kiến không có cơ sở là người Do thái dễ bị các khiếm khuyết và bệnh tật di truyền. Những người trong cộng đồng Do thái Ashkenazi đã lo rằng thông tin này sẽ dẫn đến sự kỳ thị trong việc mua BHYT và nhân thọ, thậm chí đối với những người không tham gia thử nghiệm về di truyền; ·Việc công bố kết quả của một cuộc nghiên cứu dường như chứng minh được là có tỷ lệ nghiện rượu cao trong số những thổ dân Alaska sống ở thành phố Barrow, Alaska đã dẫn đến việc tín dụng của thành phố bị xếp hạng xấu và gây ảnh hưởng về kinh tế sau đó đối với tất cả các cư dân Barrow; ·Một số cuộc nghiên cứu nhằm nghiên cứu cái gọi là trí thông minh của các nhóm chủng tộc khác nhau đã dẫn đến việc bêu xấu các nhóm này. Nhiều cuộc nghiên cứu trong số này có thiết kế kém và dẫn đến việc miêu tả thành viên trong một số nhóm chủng tộc là thiếu khả năng học tập, mặc dù điều này không hợp lý; ·Quân đội Mỹ đã hỗ trợ một cuộc nghiên cứu khoa học xã hội (Dự Án CAMELOT) để tìm hiểu rõ ràng hơn các tiến trình làm thay đổi xã hội, nhằm phục vụ cho chương trình chống nổi loạn của quân đội. Dự án nghiên cứu được tiến hành ở Chile nhưng chính phủ Mỹ đã phải huỷ bỏ dự án trước sự phản đối của giới báo chí Chile và khiếu nại của chính phủ Chile. Không may là, thậm chí các cuộc nghiên cứu có dụng ý tốt nhưng vẫn có thể gây ra các hậu quả ngoài mong muốn khiến cho người ta không tin tưởng hoặc sợ các cuộc nghiên cứu khoa học, và do đố số người sẵn lòng tham gia nghiên cứu sau đó sẽ ít hơn. Các nhà nghiên cứu có thể thực hiện các bước nào để giảm thiểu rủi ro gây hại cho nhóm?Qua việc đặt ra các câu hỏi sau đây cho bản thân và cuộc nghiên cứu của họ, các nhà nghiên cứu có thể giảm thiểu các rủi ro gây hại cho nhóm. 1.Các nguy hại tiềm năng nào có thể xảy ra do cuộc nghiên cứu của tôi? Cuộc nghiên cứu có thể gây nguy hại cho (các) nhóm mà những người tham gia nghiên cứu là thành viên hay không? 2.Có bất cứ hậu quả ngoài mong muốn nào có thể xảy ra trong cuộc nghiên cứu của tôi, như mang tiếng xấu hoặc gây kỳ thị cho một nhóm nào đó không? 3.Nếu tôi là thành viên trong nhóm này, tôi sẽ cảm thấy như thế nào về các kết quả nghiên cứu - tích cực hay tiêu cực? 4.Các lợi ích tiềm năng của cuộc nghiên cứu có nhiều hơn so với các nguy hại sẽ xảy ra cho những người tham gia và nhóm của họ không? 5.Tôi có thể dự đoán được việc các kết quả nghiên cứu của tôi có thể được những người khác, như các hãng thông tấn hoặc chính phủ, sử dụng những như thế nào không? Việc trả lời những câu hỏi này có thể giúp các nhà nghiên cứu thực hiện các biện pháp để giảm thiểu rủi ro gây hại cho nhóm. Các bước khác ·Tham vấn cộng đồng: Các nhà nghiên cứu có thể làm việc với cộng đồng có liên quan để tạo cơ hội cho nhóm này nhận ra những nguy hại mà nhà nghiên cứu có thể đã chưa nghĩ đến, để đảm bảo rằng nhà nghiên cứu hiểu và thực hiện các bước để giảm thiểu rủi ro về các nguy hại có thể xảy ra, và để những người trong nhóm hiểu các ảnh hưởng tiềm tàng của những nguy hại đó đối với từng cá nhân và với cả nhóm; ·Hợp tác trong thủ tục duyệt xét của IRB: Một số nhóm (các bộ lạc, cộng đồng hưu trí và khu học chánh) có các quy trình duyệt xét về đạo đức của riêng họ dành cho các cuộc nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu muốn làm việc với những nhóm này nên yêu cầu tổ chức duyệt xét đạo đức tại địa phương xem xét và chấp thuận cho cuộc nghiên cứu của họ; ·Lập kế hoạch tham vấn thường xuyên: Các nhà nghiên cứu cần đảm bảo rằng các lĩnh đạo trong nhóm được thường xuyên cung cấp thông tin chính xác về các diễn tiến và thay đổi trong cuộc nghiên cứu. Nhà nghiên cứu phải tiên liệu việc thay đổi hoặc thậm chí dừng lại cuộc nghiên cứu của họ nếu cần thiết để giảm thiểu các nguy hại có thể xảy ra; ·Lên kế hoạch trước cho việc công bố kết quả nghiên cứu: Đa số các nguy hại cho nhóm là do công bố kết quả nghiên cứu một cách không thích hợp. Các nhà nghiên cứu nên làm việc với nhóm để thông báo cho các thành viên biết về cách nghiên cứu viên dự định công bố kết quả nghiên cứu và những gì có thể xảy ra khi công bố kết quả. Phương cách này có thể giảm thiểu khả năng gây nguy hại cho nhóm khi kết quả nghiên cứu được xuất bản hoặc trình bày, và cũng giảm thiểu khả năng gặp sự bất ngờ không mong muốn cho nhóm hoặc nhà nghiên cứu trong suốt quá trình này; ·Đảm bảo các nhóm được hưởng lợi ích: Các nhà nghiên cứu phải thiết kế cuộc nghiên cứu sao để chúng sẽ mang lại lợi ích cho các cộng đồng có liên quan. Điều cần thiết là các nhà nghiên cứu phải lượng định xem cuộc nghiên cứu của họ có thể gây nguy hại cho nhóm hay không và, nếu có khả năng này, phải thực hiện các bước thích hợp để giảm thiểu rủi ro này.
|