Tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H. pylori ở trẻ em
Nhiều bạn đọc, gia đình bệnh nhân và bệnh nhân thời gian gần đây có đặt câu hỏi với chúng tôi về tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H. pylori ở trẻ em. Mặc dù nội dung vấn đề này đã được đăng tải nhưng trước yêu cầu số đông bạn đọc muốn hiểu thêm, Ban Biên tập xin phúc đáp như sau. Vi khuẩn Helicobacteria pylori có thể được tìm thấy trên khắp thế giới từ những người có bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng và vi khuẩn này kết hợp với 85% các trường hợp viêm dạ dày, 65% trường hợp loét dạ dày và gần như tất cả các trường hợp loét tá tràng. Tần suất mắc bệnh 25% ở những người trẻ tuổi. Tần suất mắc bệnh có thể cao đến 80% ở 13 trẻ em các nước đang phát triển. Tần suất nhiễm H. pylori ở các nước phát triển tăng theo tuổi từ < 10% ở trẻ em dến mức 60% ở người lớn ở tuổi > 60 tuổi. Vi khuẩn H. pylori là 1 vi khuẩn hình xoắn, gram (-), hiếu khí, hơi cong, có hình dấu phẩy hay hình cung , có từ 4-6 tiêm mao ở 1 đầu, kích thước 1.5-5µm và rộng 0.3-1µm, cư trú trong lớp nhày niêm mạc của dạ dày. Nếu môi trường phát triển không thuận lợi, H. pylori sẽ có dạng hình cầu, có khả năng thích nghi cao, kháng thuốc cao, sống được ngoài cơ thể, trong phân và nước uống. Khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn H. pylori bệnh thường biểu hiện đau bụng tái đi, tái lại vùng quanh rốn, vùng trên rốn hoặc đau thượng vị. Cơn đau có thể đánh thức trẻ dậy lúc nửa đêm. Kèm theo trẻ có thể có triệu chứng đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, nôn ói sau ăn hoặc nôn ói vào buổi sáng khi thức dậy. Bé biếng ăn, chậm lên cân. Trường hợp nặng trẻ có thể nôn ra máu, tiêu phân đen, trẻ còi cọc suy dinh dưỡng. Trẻ có thể kèm theo triệu chứng thiếu máu mãn. Các triệu chứng này giảm khi uống thuốc điều trị dạ dày như phosphalugel hoặc sau khi được điều trị đặc hiệu H. pylori. Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm về hình ảnh bị giới hạn vì mang tính chất xâm lấn, đối với trẻ em xét nghiệm này được chỉ định khi cần thiết. Chụp x-quang dạ dày- tá tràng xác định được 50% loét dạ dày và 85% loét tá tràng. Nội soi dạ dày tá tràng chính xác hơn X-quang, qua nội soi cần sinh thiết để khảo sát mô học tìm nguyên nhân dù hoàn toàn bình thường trên nôi soi. Xét nghiệm tìm H. pylori: Tìm kháng thể trong máu là một xét nghiệm ít xâm lấn, có kết quả chỉ trong vài phút. Độ nhạy tương đối 93%. Độ đặc hiệu tương đối 89.2% và độ chính xác là 90.7%. Tìm kháng nguyên trong phân (Tìm H. pylori trong phân là một xét nghiệm không xâm lấn có kết quả nhanh trong 10 phút. Độ nhạy tương đối > 99.9% (94.9-100%). Độ đặc hiệu tương đối cao > 99.9% (95.1-100%) và độ chính xác > 99.9% (97.5-100%). Nội soi dạ dày tá tràng kèm sinh thiết làm xét nghiệm CLOtest tìm H. pylori, xét nghiệm này có tính chất xâm lấn nên ít thực hiện ở trẻ em, trừ trường hợp cần phải khảo sát cụ thể sang thương dạ dày-tá tràng. Xét nghiệm qua hơi thở thường dùng ở người lớn. Tuy nhiên không chỉ bệnh lý viêm loét dạ dày- tá tràng kèm nhiễm H. pylori mới có những triệu chứng trên. Vì thế trẻ phải được khám tổng quát và làm thêm một số xét nghiệm khác (như siêu âm bụng tổng quát, xquang bụng , MSCT bụng, xét nghiệm máu…) khi cần để chẩn đoán bệnh lý kèm theo cũng như loại trừ các nguyên nhân khác. Về điều trị tiệt căn H. pylori thời gian điều trị 7-14 ngày, sau đó điều trị thêm Omeprazole đủ 4-6 tuần nếu cần điều trị ổ loét. - Nhóm chọn lựa hàng đầu: Amoxicillin, Clarithromycin, ức chế bơm proton (Omeprazole) hoặc tương đương; - Lựa chọn thay thế: khi điều trị thất bại hoặc tái phát. Bao gồm Bismush subsalicylate, metronidazole, ứ chế bơm proton (Omeprazole) hoặc tương đương, thêm một trong các kháng sinh (amoxicillin, Tetracycline, clarithromycin) Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời trẻ có thể diễn tiến viêm loét DD-TT, xuất huyết tiêu hóa. Về lâu về dài trẻ dễ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu mãn tính. Nếu bệnh nhân được điều trị đủ liều theo phác đồ điều trị viêm loét dạ dày- tá tràng do H. pylori phần lớn các trẻ đều đáp ứng tốt, bé ăn khá hơn, hết đau bụng, hết nôn, lên cân. Nhưng cũng có một số ít trường hợp trẻ vẫn còn nôn , đau bụng, biếng ăn….Những trường hợp này trẻ được chỉ định nội soi dạ dày- tá tràng và tùy theo tổn thương cụ thể tại dạ dày- tá tràng sẽ có hướng điều trị tiếp cho bé. - Sau đợt điều trị đủ liều thuốc trẻ vẫn phải được ăn uống điều độ, hạn chế ăn hoặc dùng các loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng dạ dày như thức ăn chua cay, thức ăn có tính kích thích dạ dày, dùng thuốc steroides, non-steroides; - Do bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa vì vậy cần phải giữ vệ sinh ăn uống (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế ăn hàng rong…).và nên khám và tầm soát các thành viên trong gia đình để được điều trị đồng thời nhầm hạn chế tái nhiễm; - Ở trẻ em sống trong gia đình đông đúc, thiếu vệ sinh, sống trong tập thể có người bị nhiễm H. pylori nhưng điều kiện vệ sinh kém sẽ có nguy cơ bị nhiễm H. pylori cao. Lưu ý, nếu không cải thiện môi trường sống, không giữ vệ sinh khi ăn uống thì trẻ vẫn có thể tái nhiễm H. pylori.
|