|
Thùng đấu là nơi sinh sản của các loài muỗi cần được loại bỏ (ảnh minh họa) |
Loại bỏ thùng đấu để ngăn ngừa muỗi sinh sản
Ở những vùng nông thôn và miền núi tại nhiều nơi, người dân thường đào hố lấy đất để đắp nền nhà, làm đường giao thông, các công trình khác... Sau khi đất được lấy đi, phần còn lại sẽ trở thành các thùng đấu hiện diện chung quanh khu vực. Thùng đấu chứa nước mưa và nước trong mạch đất rỉ ra, đây là nơi thuận lợi cho một số loài muỗi sinh sản, phát triển chích đốt máu gây phiền hà sinh hoạt và truyền một số bệnh từ muỗi. Vì vậy phải cần loại bỏ các thùng đấu này bằng các biện pháp có thể.
Trên thực tế, những thùng đấu được lấy đất đi đã lâu và cũ, có nhiều cây cỏ mọc sẽ là nơi tạo điều kiện thuận tiện cho muỗi bay đến sinh sản, đẻ trứng và phát triển thành muỗi trưởng thành so với những thùng đấu mới được đào. Để loại bỏ các thùng đấu nhằm ngăn ngừa muỗi sinh sản, cần thực hiện những biện pháp khác nhau tùy theo từng trường hợp như lấp đầy, làm thoát nước, dùng dầu và hóa chất hay vi khuẩn diệt ấu trùng muỗi, thả cá diệt ấu trùng muỗi. Lấp đầy thùng đấu Đây là biện pháp sử dụng khá phổ biến. Đất dùng để lấp đầy các thùng đấu thường được lấy từ những ao cá đào mới tại địa phương hay với mục đích làm sâu thêm hoặc mở rộng thêm ao cá. Việc lấp đầy các thùng đấu để ngăn ngừa nơi sinh sản của muỗi ngoài nguồn đất lấy được khi đào những ao cá, có thể sử dụng các nguồn khác như đất đá, gạch vụn, tro đốt, rác thải...; đây được xem là biện pháp lâu dài có khả năng thực hiện được. Biện pháp này cũng khá thích hợp để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi tại những hố đất, hố nước, hố đào, ao hoặc mương rãnh không còn sử dụng; đó là những nơi không cần nhiều vật liệu để lấp đầy. Người dân có thể cùng nhau góp sức sử dụng các phương tiện thô sơ tại chỗ như cuốc, xẻng, xe cải tiến... lấy đất để lấp đầy những thùng đấu nhỏ; đối với những thùng đấu lớn hơn phải dùng xe tải hoặc phương tiện có động cơ khác để xử lý việc lấp đầy đất. Lưu ý không được đào lấy đất ở thùng đấu này để lấp đầy thùng đấu khác vì sẽ tạo thêm nơi sinh sản mới cho muỗi. Thực tế có thể dùng rác thải để lấp đầy dần thùng đấu, nếu dùng rác thải cần phải nén chặt lại và phủ đất lên trên để côn trùng không có chỗ đẻ trứng. Tất cả thùng đấu cần được phủ đất lên trên và san cho bằng phẳng để tạo thành những khu đất có thể xây dựng nhà cửa, sân chơi... Có thể kết hợp với các đơn vị chức năng có liên quan dùng xe tải vận chuyển rác thải dân dụng, rác thải công nghiệp như mùn cưa, xỉ than đến lấp đầy thùng đấu mà không mất thêm chi phí. Ngoài ra nên tận dụng đất đào mỏ, bùn nạo vét, đất móng nhà, chất thải từ những hoạt động khác... để lấp đầy thùng đấu với chi phí thấp hơn, đặc biệt là các thùng đấu rộng lớn. Cần chú ý phủ lên trên lớp rác thải một lớp đất dày nén chặt để tránh đọng nước và ruồi muỗi, chuột bọ. Làm thoát nước Biện pháp làm thoát nước cũng dễ thực hiện để xử lý các thùng đấu chứa nước đọng. Có thể dẫn nước từ nhiều thùng đấu khác nhau vào một thùng đấu thông qua các mương rãnh. Vì vậy chỉ cần xử lý một thùng đấu là có thể ngăn ngừa được nơi muỗi sinh sản. Việc đào mương rãnh thoát nước khá đơn giản, một mương rãnh chính có thể có nhiều mương rãnh phụ để thu nhận nước chảy từ các thùng đấu khác xuôi theo dòng nước chảy tập trung vào một thùng đấu cần xử lý, phải tạo độ dốc và độ sâu hợp lý cho dòng chảy được thuận lợi, không đọng lại nước khi thoát. Dùng dầu và hóa chất, vi khuẩn diệt ấu trùng Đây là một biện pháp đem lại hiệu quả ngay nhưng không có tác dụng lâu dài. Nếu dùng dầu, có thể sử dụng dầu hỏa, dầu có sẵn tại địa phương, dầu thương mại... thả trên mặt nước ngăn cản ấu trùng muỗi hô hấp, làm chúng bị tiêu diệt không phát triển được thành muỗi trưởng thành. Khi sử dụng các bánh hóa chất methoprene hoặc bánh vi khuẩn bacillus thuringiensis diệt ấu trùng muỗi thả xuống nước, khả năng chúng có thể phát tán chậm trong thời gian từ 1 đến 4 tháng đủ điều kiện để diệt ấu trùng suốt mùa sinh sản của muỗi. Khi thùng đấu cạn nước, các bánh hóa chất hoặc bánh vi khuẩn này sẽ ngừng phát tán nhưng trong điều kiện thuận lợi như có nước tụ lại đầy thùng đấu thì các bánh hóa chất hoặc bánh vi khuẩn lại được phát huy tác dụng. Đặc biệt ở một số vùng, nếu nguồn nước được người dân sử dụng để làm nước ăn uống cho gia súc, gia cầm và sinh hoạt thì nên dùng các loại chế phẩm diệt ấu trùng muỗi bảo đảm an toàn như temephos, bacillus thuringiensis, methoprene. Thả cá diệt ấu trùng muỗi Trên thực tế do thỉnh thoảng nước chứa trong các thùng đấu có thể bị cạn đi nên việc dùng biện pháp thả cá diệt ấu trùng muỗi thường không phù hợp lắm. Tuy vậy, nếu dùng các loài cá có vòng đời ngắn như cá muỗi, cá bảy màu... với trứng của chúng có thể sống được ở mùa khô và sinh trưởng chỉ trong một mùa khô thì có thể áp dụng được trong trường hợp này. Khuyến nghị Ở những địa phương có nhiều thùng đấu do việc đào hố lấy đất để đắp nền nhà, làm đường giao thông, các công trình khác... sẽ là những nơi tạo điều kiện cho các loài muỗi sinh sản, phát triển với mật độ hoạt động cao để chích đốt máu gây phiền hà cho sinh hoạt của cộng đồng người dân và có khả năng truyền một số bệnh từ muỗi; chưa kể đến những trường hợp gây tai nạn đuối nước ở trẻ em từ các thùng đấu rộng chứa nước có độ sâu. Vì vậy loại bỏ thùng đấu là điều cần thiết mà các địa phương nên quan tâm thực hiện bằng những biện pháp phù hợp để góp phần ngăn ngừa muỗi sinh sản.
|